Truyền thông đa phương tiện hiện là ngành học nhận được sự quan tâm nhiều hiện nay nhờ tính chất năng động, trẻ trung phù hợp với thế hệ genZ. Không những vậy, triển vọng nghề nghiệp của ngành cũng được đánh giá là “hấp dẫn”. Nội dung dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần biết về ngành đa phương tiện.
Khái niệm của truyền thông đa phương tiện
Truyền thông đa phương tiện hay multimedia là sự tích hợp giữa nhiều hình thức để thể hiện thông tin. Cụ thể, hình thức truyền thông sẽ có sự kết hợp của văn bản, hình ảnh, đồ họa, video và âm thanh, đánh vào mọi giác quan của con người. Ngoài ra, phương tiện truyền tải cũng “hiện đại” hơn với hầu hết là nền tảng mạng xã hội. Do đó, truyền thông đa phương tiện sẽ gắn liền với thiết bị công nghệ, internet, máy tính và các phần mềm.
Các sản phẩm truyền thông đa phương tiện thường có tính thẩm mỹ và độ lan truyền cao. Nhận thức được vai trò của truyền thông đa phương tiện, nhiều tổ chức đã ứng dụng ở đa dạng lĩnh vực trong xã hội và gần như “chiếm lĩnh” ngành marketing hiện đại.
Vậy các bạn trẻ cần có kỹ năng gì nếu muốn theo học ngành media?
Kỹ năng cần có để học truyền thông đa phương tiện hiệu quả
Có thể thấy, đặc trưng của truyền thông đa phương tiện là sự phong phú về thể loại, hình thức. Người học cũng cần sẵn sàng tinh thần “chiến đấu” mạnh mẽ nếu muốn phát triển từ ngành này.
Tư duy sáng tạo, nhạy bén
Tư duy sáng tạo là yếu tố không thể thiếu với ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện để tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm. Ngoài ra, việc nắm bắt nhanh chóng các “hot trend” cũng là việc cần thiết để tác phẩm không lạc hậu so với thị trường, đồng thời tạo ra tính tiên phong.
Khả năng sử dụng các công cụ, ứng dụng công nghệ
Mọi hoạt động của truyền thông đa kênh đều cần tới sự trợ giúp của máy móc, phần mềm và công nghệ. Ví dụ, sản phẩm đồ họa, video cần máy tính cấu hình cao và phần mềm chuyên dụng; ảnh chụp cần tới thiết bị chụp chuyên dụng; văn bản cần công cụ để tra cứu thông tin làm tư liệu cho bài viết.
Chủ động học hỏi kiến thức chuyên môn
Chủ động tìm tòi, bổ sung, trau dồi kiến thức là kỹ năng cơ bản cả trong quá trình học và làm. Đặc biệt, với nghề truyền thông đa phương tiện, điều này càng cần thiết bởi sự cạnh tranh cao cũng như phát triển nhanh. Nếu không tự cải thiện bản thân, bạn sẽ bị tụt lùi.
Kỹ năng biên tập
Kỹ năng biên tập được đề cập đến là kỹ năng biên tập các thể loại: Văn bản, video, hình ảnh, âm thanh. Bạn cần biết cách sắp xếp nội dung phù hợp và có khả năng thu hút công chúng cao nhất. Ngoài ra, có gu thẩm mỹ tốt cũng là yếu tố nên có để dễ dàng thăng tiến trong ngành nghệ thuật truyền thông.
Khả năng giao tiếp
Sản phẩm của truyền thông đa phương tiện cần trải qua nhiều quy trình như lên ý tưởng, lấy tư liệu, dựng video, hậu kỳ,… Do vậy, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm là điều quan trọng cần lưu ý.
Kỹ năng tổng hợp và phân tích tình huống
Những sáng kiến độc lạ hay cách xử lý tình huống truyền thông nhanh gọn, hiệu quả sẽ là điểm mạnh giúp bạn tỏa sáng trong ngành. Mọi chiến dịch marketing hay truyền thông đều chứa nhiều rủi ro nên bạn cần trang bị khả năng phân tích logic và lường trước được những vấn đề có thể xảy ra.
Khả năng ngoại ngữ
Hầu hết các phần mềm, thiết bị, kỹ thuật truyền thông đều có nguồn gốc từ nước ngoài như hệ thống phần mềm của Adobe, máy chụp ảnh chuyên nghiệp, nền tảng quảng cáo Facebook,… Để hiểu và dùng được chúng, bạn cần hiểu cơ bản ngôn ngữ chung – tiếng Anh. Ngoài ra, các tư liệu từ nước ngoài cũng thuộc trình độ và uy tín cao hơn, cung cấp lượng kiến thức chất lượng.
Nhìn chung, việc có được những kỹ năng trên ngay từ ban đầu là điều rất khó. Người học cần bổ sung dần dần trong cả quá trình học tập và làm việc.
Xu hướng học ngành Truyền thông đa phương tiện
Khi theo học ngành Truyền thông đa phương tiện, sinh viên sẽ được phân bổ thành nhiều chuyên ngành để tiếp cận được với kiến thức chuyên sâu. Một số xu hướng nổi bật của ngành multimedia có thể kể đến như:
Chuyên ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng
Tập trung tới các lý thuyết ảnh hưởng của truyền thông, cách quản lý và nắm bắt nhận thức của người dân với thông tin. Sinh viên sẽ được đào tạo sâu về cách tạo dựng mối quan hệ với những đối tượng quan trọng trong ngành.
Chuyên ngành Quảng cáo
Chủ yếu dạy về lý thuyết quảng cáo, sự phát triển và cách đánh giá, triển khai chiến dịch quảng cáo. Sinh viên cũng sẽ được hiểu về lịch sử và sức ảnh hưởng của hoạt động quảng cáo ngày nay.
Chuyên ngành Truyền thông xã hội
Cung cấp lý thuyết về sự chuyển đổi lớn trong giao tiếp giữa người với người; kết hợp thực hành, vận dụng nội dung trên để triển khai những hoạt động mới thu hút công chúng hơn.
Chuyên ngành Nghiên cứu truyền thông
Hướng tới kỹ năng viết và nghiên cứu các vấn đề trong xã hội như sự kiện, tin tức, thời sự; xử lý truyền thông; truyền tải nội dung tới các nhóm công chúng phức tạp.
Chuyên ngành Báo chí
Học về kỹ năng điều tra, nghiên cứu, phỏng vấn, viết tin, phóng sự, bình luận, bài phản ánh và viết báo cáo thực tế. Sinh viên báo chí sẽ được trang bị đủ kiến thức về xã hội, đạo đức, pháp luật, truyền thông, kinh tế, văn hóa,…
Chuyên ngành Quảng cáo kỹ thuật số
Ngành ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại và đưa vào trong quảng cáo. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được tìm hiểu về cơ chế quảng cáo của các nền tảng truyền thông 4.0.
Mỗi chuyên ngành đều có điểm đặc sắc riêng. Khi lựa chọn, sinh viên nên cân nhắc về sở thích, khả năng và tương lai việc làm của ngành.
Mức độ ứng dụng truyền thông đa phương tiện ngày càng cao. Điều này đã chứng minh được cơ hội phát triển từ nghề truyền thông đa phương tiện.
Triển vọng của ngành Truyền thông đa phương tiện
Sự đa dạng và linh hoạt trong công việc là một trong những lý do để học sinh có hứng thú với ngành Truyền thông đa phương tiện. Không những vậy, thị trường marketing và truyền thông luôn có sự náo nhiệt, nhiều năng lượng nên thích hợp với thế hệ trẻ. Môi trường làm việc cũng không có giới hạn: Công ty kinh doanh, công ty truyền thông, trường học, tòa soạn,…
Khi trở thành cử nhân Truyền thông đa phương tiện, bạn có thể ứng tuyển ở nhiều vị trí như:
- Truyền thông nội bộ
- Nhân viên marketing, media
- Biên tập viên, phóng viên tại các trung tâm tin tức
- Thiết kế đồ họa
- Quay dựng video
- Nhiếp ảnh gia
- Thiết kế website
- …
Trong tương lai, cử nhân ngành Truyền thông đa phương tiện có thể tiến tới những vị trí cao hơn như Chuyên viên quản lý nền tảng mạng xã hội, Giám đốc marketing, Giám đốc sáng tạo, Giám đốc sản xuất,…
Hơn hết, sinh viên không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp mới được đi làm bởi ngành truyền thông thường ưu tiên người có khả năng và kinh nghiệm. Bạn có thể làm đúng chuyên môn ngay từ năm đầu đại học với mức lương hấp dẫn. Dù vậy, sinh viên vẫn nên chú trọng vào việc tích lũy kiến thức hơn.
Vậy học Truyền thông đa phương tiện ở đâu uy tín?
Top các trường đào tạo Truyền thông đa phương tiện
Các trường đào tạo ngành media thường tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội
Top 5 trường đào tạo ngành media tốt tại Hà Nội:
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền nằm trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nên có độ uy tín cao, kinh nghiệm đào tạo lâu năm. Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện tại học viện ngoài những kiến thức cơ bản cũng sẽ được học thêm nhiều về báo chí, quảng cáo.
- Đại học FPT
Đại học FPT là cơ sở giáo dục nổi bật với tính thực hành cao và có sẵn nguồn việc làm chất lượng. Đây cũng là yếu tố quan trọng khi học ngành truyền thông 4.0 nên FPT luôn là cái tên “sáng giá” trong mỗi kỳ thi đại học.
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông. Trường thiên về kỹ thuật truyền thông đa phương tiện nên sinh viên sẽ có cơ hội nghiên cứu nhiều về cách thức xử lý hình ảnh, edit video và âm thanh.
- Trường Đại học Hà Nội
Với trường đại học Hà Nội, ngành Truyền thông gắn liền với ngôn ngữ Anh, giáo trình cũng được chọn lọc từ các chương trình đào tạo nước ngoài như Mỹ, Úc. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để sinh viên tiếp xúc nhiều hơn với các cơ hội việc làm ở tổ chức quốc tế.
- Đại học Swinburne Việt Nam
Swinburne là trường đại học lâu đời tại Úc và có cơ sở tại Hà Nội. Trường luôn cập nhật chương trình đào tạo sao cho phù hợp với xu hướng mới nhất. Không những vậy, Swinburne có mối quan hệ hợp tác bền chặt với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, hỗ trợ việc làm tốt nhất cho sinh viên.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Top 3 trường đào tạo ngành media tốt tại Hồ Chí Minh:
- Trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn TP.HCM
Ngành multimedia tại trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn TP.HCM luôn là cái tên “mơ ước” của nhiều sinh viên. Trường có hệ thống chương trình khoa học, từ tổng quan tới chuyên sâu cho sinh viên tiếp thu một cách đơn giản và hiệu quả.
- Trường Đại học Công nghệ TP.HCM – HUTECH
Truyền thông đa phương tiện được đánh giá là ngành “mũi nhọn” của Trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Chính vì vậy, sinh viên sẽ được học trong môi trường có sự đầu tư lớn cả về vật chất và kiến thức.
- Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Đại học Quốc tế Hồng Bàng là cơ sở đề cao vấn đề đạo đức, nhân cách trong làm việc. Sinh viên khi theo học sẽ được “rèn dũa” về tính kỷ luật, phẩm chất con người. Bởi vậy, trường có nhiều cựu sinh viên giữ vị trí, vai trò quan trọng trong các tổ chức trung ương khi đi làm.
Nhìn chung, truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam vẫn còn là thuật ngữ mới mẻ với nhiều người. Tuy nhiên, với tính ứng dụng cao cùng triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn, đây chắc chắn là lựa chọn thích hợp cho những bạn trẻ đam mê truyền thông.