Cách setup phòng quay video chuyên nghiệp, hiệu quả cao

Home - Thiết bị quay phim - Cách setup phòng quay video chuyên nghiệp, hiệu quả cao

Setup phòng quay video chuyên nghiệp, hiệu quả là khi mọi thứ được thiết lập, sắp xếp một cách đơn giản nhưng tối ưu hóa về năng suất hoạt động. Trên thực tế, đây là điều không hề dễ dàng vì mỗi thiết bị có một tính năng, đặc điểm riêng, đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau. Việc này đòi hỏi người setup phải nắm được những nguyên tắc cơ bản cũng như một số lưu ý quan trọng.

Thiết bị cần có khi setup phòng quay video

Để chuẩn bị đầy đủ cho một phòng quay video chuyên nghiệp, cần một số thiết bị cơ bản dưới đây.

Máy ảnh

Thời gian quay phim thường kéo dài, vì vậy nên sử dụng những dòng máy quay chuyên nghiệp. Người dùng có thể chọn máy ảnh DSLR hoặc Mirrorless, đặc biệt phải có cấu hình máy phù hợp với yêu cầu quay chụp.

Trong studio, máy quay, máy ảnh thường có chân máy hoặc các thiết bị hỗ trợ đi kèm để thay đổi, tạo nên góc quay đa dạng. Mỗi thể loại quay sẽ có những yêu cầu đặc thù, cần lựa chọn thiết bị phù hợp. Ví dụ, đối với quay chân dung, người dùng cần có máy ảnh khẩu độ lớn như f/1.8 hoặc f/2 để thêm chức năng xóa phông.

Chân máy

Việc sử dụng chân máy sẽ mang lại sự ổn định hình ảnh trong quá trình quay chụp, giữ thời gian phơi sáng lâu hơn. Đồng thời, thiết bị hỗ trợ này cũng giúp chống rung, đem đến những thước phim sắc nét, rõ ràng.

Chân máy ảnh ba càng (tripod) là loại được sử dụng phổ biến nhất, đáp ứng đa dạng nhu cầu quay chụp.

Gimbal chống rung

Đây là thiết bị hỗ trợ đắc lực, chống rung hiệu quả cho máy ảnh, máy quay. Nó giúp người dùng tạo nên những góc hình rộng theo ý muốn hay những thước phim mượt mà dù đang chuyển động.

Setup phòng quay video
Đây là thiết bị hỗ trợ đắc lực, chống rung hiệu quả cho máy ảnh, máy quay (Ảnh sưu tầm)
Ngoài công dụng chủ yếu là cố định thiết bị quay chụp, gimbal còn được sử dụng rộng rãi nhờ một số tính năng khác như:
  • Điều khiển các thiết bị ở nhiều độ cao, vị trí khác nhau, tạo nên những góc quay ấn tượng, độc đáo
  • Thu phóng hình ảnh linh hoạt, sắc nét nhờ tích hợp nút zoom
  • Tích hợp nhiều chế độ khác như Timelapse, PhoneGo…
  • Giúp người dùng theo dõi đối tượng nhanh chóng và chính xác hơn.

Một số dòng gimbal phù hợp với phòng quay video chuyên nghiệp hiện nay có thể kể tên như DJI Osmo Mobile 5, Zhiyun Smooth 4, DJI Osmo Mobile 4, DJI RSC 2…

Microphone

Microphone dùng để thu và chuyển âm thanh thành tín hiệu điện, sau đó khuếch đại ra thông qua loa. Bên cạnh đó, thiết bị này còn có thể thu tiếng bên ngoài rồi tạo thành âm thanh digital để phát bằng các file mp3, aac hoặc âm thanh trong video.

Hiện nay, tại các phòng quay chuyên nghiệp, người ta thường sử dụng micro không dây. Loại micro này có tác dụng lấy âm thanh trực tiếp và truyền tới bộ thu mà không cần sử dụng dây nối phức tạp. Từ đó, mọi hoạt động của diễn viên, MC sẽ trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn.

Người dùng có thể cân nhắc sử dụng micro không dây đến từ một số thương hiệu phổ biến như BOYA, Shure hay RODE…

Ống kính 

Tương tự như máy ảnh, việc lựa chọn ống kính cũng cần dựa trên các nhu cầu đặc thù của từng thể loại video. Ống kính của nhà nhiếp ảnh thể thao hay động vật hoang dã sẽ không giống của những người chuyên quay chụp sản phẩm trong studio.

Setup phòng quay video
Tương tự như máy ảnh, việc lựa chọn ống kính cũng cần dựa trên các nhu cầu đặc thù của từng thể loại video (Ảnh sưu tầm)
Cách chọn ống kính phù hợp với một số mục đích quay chụp phổ biến:
  • Chụp beauty: ống kính tiêu cự 50mm, khẩu độ f/1.8
  • Chụp thời trang: ống kính tiêu cự từ 35mm đến 135mm, khẩu độ mở rộng thường giữa f/1.2 và f/1.8
  • Chụp nội thất, kiến trúc: ống kính tiêu cự 12 – 24mm, khẩu độ f/4
  • Chụp sản phẩm: ống kính AF macro 105mm, khẩu độ f/2.8.

Đèn trợ sáng và softbox

Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng tại phòng quay video chuyên nghiệp. So với flash của máy ảnh, đèn trợ sáng được đánh giá có sức chiếu nhanh và mạnh hơn. Chúng thường được lắp đặt kèm softbox để ánh sáng studio trở nên  đồng đều, mềm mại, dịu mắt.

Setup phòng quay video
Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng tại phòng quay video chuyên nghiệp (Ảnh sưu tầm)

Với ưu điểm khối lượng nhẹ, phù hợp setup tại các phòng quay, kết hợp cùng điều khiển từ xa, đèn trợ sáng giúp người chụp dễ dàng điều chỉnh ánh sáng. Ngoài ra, đèn cũng được trang bị nhiều tính năng như chụp ảnh chân dung, chụp ảnh sản phẩm….

Phông nền và giá treo

Để setup hệ thống studio chuyên nghiệp, chắc chắn không thể bỏ qua phông nền và giá treo. Đối với phông nền, người dùng có thể sử dụng phông loang, phông vải hay phông giấy. Trong trường hợp hình ảnh, video cần xử lý hậu kỳ để thay phông nền, phông xanh lục sẽ là một lựa chọn phù hợp.

Ngoài ra, để phục vụ đa dạng nhu cầu quay chụp, studio có thể trang bị thêm một số loại phông nền khác như phông trắng đen, phông 3D, sọc ca rô, vân gỗ, đơn màu…

Đối với giá treo, người dùng nên lựa chọn loại chắc chắn, có motor điện để linh hoạt trong quá trình triển khai công việc.

Dù hắt sáng

Dù hắt sáng thường được sử dụng trong quay chụp chân dung, ngoại cảnh hoặc sản phẩm nhằm mục đích làm nổi bật hình khối trên khuôn mặt, sự vật.

Một số loại dù hắt sáng phổ biến trên thị trường hiện nay với công dụng khác nhau:
  • Màu bạc: được dùng khi muốn tăng độ tương phản cho hình ảnh
  • Màu vàng: tạo tone màu ấm áp tự nhiên khi chụp sản phẩm, chân dung
  • Màu trắng trong: cho hiệu ứng ánh sáng trung hòa, mềm mại
  • Màu đen: dùng khi cần che ánh sáng không mong muốn
  • Màu xanh: phù hợp để che các vật thể không muốn bị lên hình, dễ dàng xóa phông.
Setup phòng quay video
Dù hắt sáng thường được sử dụng trong quay chụp chân dung, ngoại cảnh hoặc sản phẩm (Ảnh sưu tầm)

Khi đã lựa chọn được những thiết bị phù hợp với nhu cầu quay, chụp của bản thân, người dùng cần lưu ý thêm cách setup studio chuyên nghiệp, phù hợp để tối ưu hóa về năng suất hoạt động của chúng.

Cách setup phòng quay video chuyên nghiệp

Mỗi kiểu setup phòng quay video sẽ có những ưu – nhược điểm riêng, phù hợp với từng loại video cụ thể.

Setup 2 đèn chiếu từ đằng sau

Đây là cách setup thường thấy trong các dự án liên quan đến lĩnh vực thể thao, giúp hình ảnh thêm phần năng động, mạnh mẽ. Quy trình chuẩn bị, thực hiện cũng rất đơn giản, chỉ cần đặt 2 đèn chiếu cố định vào phía sau chủ thể. Mỗi đèn đặt nghiêng theo một góc 45 độ.

Setup phòng quay video
Chỉ cần đặt 2 đèn chiếu cố định vào phía sau chủ thể. Mỗi đèn đặt nghiêng theo một góc 45 độ (Ảnh sưu tầm)

Để tăng thêm độ tương phản, người dùng có thể hất đèn lên cao một chút. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng phía trước chủ thể đã có đủ ánh sáng, tránh bị ngược sáng.

Setup kiểu Soft Key và Hard Back

Đầu tiên, người chụp cần đặt Key Light (ánh sáng chính trong studio) ở phía trước chủ thể, đồng thời điều chỉnh sao cho nguồn sáng này đủ mềm để được gọi là “soft key”. Sau đó, đặt đèn thứ 2 ngay phía sau chủ thể, để ở độ sáng lớn nhất nhằm tạo ra “hard back”.

Setup phòng quay video
Đầu tiên, người chụp cần đặt Key Light (ánh sáng chính trong studio) ở phía trước chủ thể (Ảnh sưu tầm)

Kiểu setup này thường sử dụng đèn Aputure 120D làm Key Light và đèn Aputure TRI-8C LED Panel làm Hard Back. Tuy nhiên, trên thực tế, người dùng có thể chọn bất cứ loại đèn nào sẵn có, điều quan trọng nhất là phần backlight cần một nguồn sáng đủ mạnh.

Setup kiểu Accent Light (Chiếu sáng nhấn mạnh)

Đây là kiểu setup chỉ sử dụng một đèn Space Light chiếu sáng ở trước mặt và tách chủ thể ra khỏi phông nền. Sau đó, người dùng cần thêm đèn thứ 2 để nhấn mạnh phần background.

Setup phòng quay video
Đây là kiểu setup chỉ sử dụng một đèn Space Light chiếu sáng ở trước mặt và tách chủ thể ra khỏi phông nền (Ảnh sưu tầm)

Nếu không có Space Light hay một nguồn sáng đủ mạnh, người chụp có thể thay thế bằng đèn lồng hoặc tự chế Diffuser từ một tấm rèm màu trắng đục. Trên thực tế, kiểu setup Accent Light thường tốt nhất khi người dùng lựa chọn Color Gel để tạo ra bầu không khí.

Setup Fill Light và Key Light

Dùng Fill Light và Key Light để setup studio là một dạng biến thể thường gặp của hệ thống Three-Point Lighting (3 điểm sáng). Tuy nhiên, thay vì đặt 2 đèn ở phía sau chủ thể, người dùng cần di chuyển chúng về phía trước.

Hình thức setup phòng quay video này tương đối đơn giản, chỉ cần đặt 2 đèn lên phía trước chủ thể, mỗi đèn nghiêng theo một góc 45 độ. Trong đó, Key Light thường là nguồn sáng mạnh hơn so với Fill Light.

Setup phòng quay video
Dùng Fill Light và Key Light để setup studio là một dạng biến thể thường gặp của hệ thống Three-Point Lighting (3 điểm sáng) (Ảnh sưu tầm)

Vì không sử dụng đèn để tách chủ thể ra khỏi phông nền, vậy nên người dùng cần đảm bảo về chiều sâu của hình ảnh. Nếu không, người chụp phải chắc chắn rằng chủ thể có màu sắc cùng độ tương phản cao, không bị lẫn vào màu nền.

Thiết kế Hard Top, Eye Light

Để setup studio theo kiểu này, người chụp cần dùng một Key Light mạnh chiếu thẳng từ phía trên chủ thể và một đèn thứ hai để tăng cường thêm ánh sáng.

Setup phòng quay video
Để setup studio theo kiểu này, người chụp cần dùng một Key Light mạnh chiếu thẳng từ phía trên chủ thể (Ảnh sưu tầm)

Thiết kế Hard Top và Eye Light thường được áp dụng trong chụp ảnh hoặc quay video liên quan đến lĩnh vực thể thao.

Setup kiểu Đánh sáng hai màu

Đây là một trong những cách đánh đèn phổ biến, được ưa chuộng nhất hiện nay. Phương pháp này thường áp dụng chủ yếu trong phim hay các MV ca nhạc. Hệ thống đèn được tăng cường khả năng điều chỉnh về cường độ sáng cũng như nhiệt độ màu.

Không nhất thiết phải sử dụng những loại đèn đắt đỏ, người dùng có thể dễ dàng thực hiện cách đánh sáng này bằng Gel. Để khiến hình ảnh trông đẹp và ấn tượng hơn, hãy chọn những gam màu phù hợp với tone da. Ví dụ, chúng ta thường thấy các cặp màu đi với nhau như xanh lá và vàng, tím và hồng, đỏ và xanh dương…

Setup phòng quay video
Phương pháp này thường áp dụng chủ yếu trong phim hay các MV ca nhạc (Ảnh sưu tầm)

Người dùng cần chuẩn bị 2 đèn chiếu ở 2 bên trái phải của chủ thể, sau đó đặt các gel màu khác nhau trên mỗi đèn. Thông thường, người ta sẽ lựa chọn những loại đèn giống nhau và đặt ở các khoảng cách bằng nhau. Tuy nhiên, điều này không thực sự cần thiết, thay vào đó, người dùng nên bổ sung thêm một Soft Fill nếu muốn hình ảnh đặc biệt, độc đáo hơn.

Đánh đèn theo kiểu Hacker

Đây là kiểu đánh sáng thường thấy trong các bức ảnh chụp Hacker hoặc trong những bộ phim truyền hình về công nghệ. Để setup theo phương pháp này, người chụp cần sử dụng một chiếc đèn đặt phía sau, chếch sang một bên của chủ thể. Thông thường, màu Gel được sử dụng là Gel xanh lá.

Ngoài ra, người chụp cũng có thể lựa chọn một Light Panel nhỏ hay tận dụng đèn Flash của điện thoại để giấu ở bên dưới màn hình máy tính giúp hình ảnh trở nên mạnh mẽ hơn.

Setup phòng quay video
Đây là kiểu đánh sáng thường thấy trong các bức ảnh chụp Hacker hoặc trong những bộ phim truyền hình về công nghệ (Ảnh sưu tầm)

Khi biết setup ánh sáng phù hợp, hình ảnh sẽ trở nên thu hút, ấn tượng hơn. Đồng thời, đối tượng được quay cũng trở nên nổi bật, có điểm nhấn.

Lưu ý khi setup phòng quay video

Để setup phòng quay video một cách hoàn chỉnh, bên cạnh việc chuẩn bị các thiết bị cần thiết hay tìm ra cách setup phù hợp, người chụp còn phải nắm được một số lưu ý sau đây.

Chuẩn bị trước buổi quay

Trước buổi quay, ekip cần xác định địa điểm, vị trí, bối cảnh quay phù hợp và thống nhất về phương án di chuyển. Bên cạnh đó, các thiết bị được sử dụng như máy ảnh, tripod, đèn, mic… cũng cần được kiểm tra đầy đủ về cả số lượng và chất lượng, năng suất hoạt động cũng như cách sắp xếp trong studio.

Bên cạnh đó, để buổi quay diễn ra một cách thuận lợi, suôn sẻ, ekip phải có sự chuẩn bị về nhân sự như quay phim, MC, thợ chụp ảnh, trợ lý, stylist…

Chọn loại đèn có ánh sáng phù hợp

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại đèn studio khác nhau với chi phí, mẫu mã, chất lượng đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng người dùng. Mỗi loại đèn sẽ có những ưu – nhược điểm riêng, vì vậy, người chụp cần lựa chọn theo nhu cầu, mục đích sử dụng của bản thân.

Nếu có nhu cầu quay đơn giản cùng chi phí hạn hẹp, người dùng có thể tham khảo đèn kẹp. Với mức giá chỉ khoảng 500.000 đồng, loại đèn này có thiết kế nhỏ gọn, thuận tiện cho việc setup phòng quay Tiktok, quay vlog, đồng thời linh hoạt lắp được ở nhiều vị trí khác nhau trong studio.

Tuy nhiên, ánh sáng của đèn kẹp thường khá gắt, hay bị tụ sáng một điểm vì có bộ lọc chuyên biệt. Người dùng có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách sử dụng một tấm vải hay bìa giấy mỏng để khuếch tán ánh sáng làm nó dịu bớt.

Đèn Led hay đèn huỳnh quang thường có chi phí cao hơn, cùng với đó là khả năng khuếch tán tương đối tốt, bộ phận điều chỉnh ánh sáng hiện đại. Mức giá của chúng dao động khoảng 1 đến 15 triệu đồng, thường được tặng kèm softbox để làm dịu ánh sáng. Thế nhưng, những bộ đèn như vậy khá cồng kềnh, bất tiện khi phải di chuyển nhiều.

Đối với những người có nhu cầu quay phức tạp, nhiều kỹ xảo hơn hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng, các loại đèn cao cấp sẽ là lựa chọn phù hợp. Chúng có tính năng vượt trội hơn, có thể điều chỉnh độ sáng tốt, điều khiển từ xa cùng khả năng khuếch tán ổn định, đem đến ánh sáng đồng đều, mềm dịu.

Thiết lập các điểm chiếu sáng

Trước khi bắt đầu quay, người dùng cần thiết lập 3 điểm chiếu sáng: ánh sáng chính, ánh sáng phụ và ánh sáng ven.

Setup phòng quay video
Trước khi bắt đầu quay, người dùng cần thiết lập 3 điểm chiếu sáng: ánh sáng chính, ánh sáng phụ và ánh sáng ven (Ánh sưu tầm)
  • Ánh sáng chính (Key Light): đây là nguồn sáng trọng tâm, chiếu trực tiếp vào chủ thể. Chúng thường được đặt ở phía bên phải hoặc bên trái, chếch 1 góc 45 độ so với chủ thể
  • Ánh sáng phụ (Fill Light): có nhiệm vụ loại bỏ bóng của chủ thể do ánh sáng chính gây ra. Chúng có độ sáng thường chỉ bằng khoảng 1/4 so với Key Light, được đặt ở vị trí đối diện Key Light, cao ngang camera
  • Ánh sáng ven (Back Light): có nhiệm vụ chiếu sáng phần vai và đầu của chủ thể từ phía sau, chếch khoảng 45 độ hướng lên trên. Back Light giúp tách chủ thể khỏi hậu cảnh và tạo độ sâu cho hình ảnh.

Chọn tone màu ánh sáng hợp lý

Để chọn nhiệt độ tone màu sáng phù hợp, trước hết, người chụp cần xem xét không gian xung quanh vị trí quay, đồng thời để ý màu của bóng đèn trong studio. Sau đó, tùy từng loại đèn, người dùng có thể điều chỉnh chiếu ánh sáng lạnh hoặc ánh sáng ấm trên camera. Tuy nhiên, không nên kết hợp các loại đèn có nhiệt độ màu khác nhau vì có thể dẫn đến việc mất cân bằng màu, làm cảnh quay không được tự nhiên.

Setup phòng quay video chuyên nghiệp phải dựa trên nhiều nguyên tắc về ánh sáng, bố cục cũng như năng suất hoạt động của các thiết bị quay. Điều này đòi hỏi người chuẩn bị phải nắm được những cách setup cơ bản, phù hợp với từng thể loại video cũng như một số lưu ý trong quá trình thiết lập ánh sáng, chọn đèn chiếu và tone màu chuẩn.

Việt Producer - Chuyên sản xuất phim doanh nghiệp, TVC

Share:

Trang Ái
Trang Ái

facebook  twitter  Tumblr  pinterest   Linkedin   instagram  Flickr

Tôi là Trang Ái, có đam mê với video cho doanh nghiệp. Hiểu được rằng video là trợ thủ đắc lực để định vị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu. Vì thế, tôi mong muốn lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này để tạo giá trị hữu ích cho người đọc.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Scroll to Top