Hướng dẫn xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm tăng doanh số

Home - Kiến thức kinh nghiệm hay - Hướng dẫn xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm tăng doanh số

Các chiến lược tiếp thị sản phẩm là yếu tố quan trọng để khởi động bước tiến chiếm lĩnh thị phần và xây dựng một thương hiệu mạnh. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số của doanh nghiệp ở thời điểm nhất định, các chiến lược này còn giúp thương hiệu phát triển bền vững trên thị trường.

Tiếp thị sản phẩm là gì?

Theo Philip Kotler – “cha đẻ” ngành Marketing hiện đại, chiến lược Marketing được hiểu là một hệ thống luận quan điểm logic, làm căn cứ để chỉ đạo một đơn vị, tổ chức tính toán cách giải quyết những nhiệm vụ Marketing của mình. Thông thường, các nhiệm vụ này có liên quan đến thị trường mục tiêu, hệ thống Marketing mix cũng như mức chi phí cho quá trình tiếp thị sản phẩm.

Cụ thể, tiếp thị là quá trình doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng, bao gồm xác định định vị, thông điệp sản phẩm, ra mắt khách hàng và xác nhận rằng khách hàng hiểu được giá trị sản phẩm để thúc đẩy nhu cầu mua hàng và doanh số, lợi nhuận.

Tiếp thị sản phẩm cần một kế hoạch PR tổng thể, nhằm xác định, dự đoán và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng để mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, thương hiệu. Hiểu một cách đơn giản, để tiếp thị, doanh nghiệp cần phải tạo nên những sản phẩm, dịch vụ khách hàng tiềm năng mong muốn đồng thời đưa ra mức giá phù hợp mà họ cần trả.

Các hình thức tiếp thị sản phẩm hiệu quả

Có nhiều hình thức tiếp thị sản phẩm khác nhau để gây sự chú ý, kích thích sự quan tâm và thúc đẩy hành động mua hàng của người tiêu dùng. Tùy vào từng mục tiêu cụ thể trong chiến lược, doanh nghiệp có thể lựa chọn và kết hợp những cách thức phổ biến bên dưới.

Tiếp thị số

Đây là một trong những kênh tiếp thị sản phẩm hiệu quả, nhằm truyền đạt thông điệp của thương hiệu, thúc đẩy hành động từ khách hàng. Có thể nói, ưu điểm lớn nhất của tiếp thị số là tối ưu chi phí, thuận lợi trong quá trình phát triển truyền thông tương tác hai chiều giữa khách hàng và doanh nghiệp.

tiếp thị
Tiếp thị số là một trong những kênh tiếp thị sản phẩm hiệu quả nhất hiện nay (Ảnh sưu tầm)

Để tiếp thị số thành công, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng trang web, kênh social để tiếp cận khách hàng.

Tiếp thị truyền miệng

Để tiếp thị sản phẩm theo hình thức này, doanh nghiệp, thương hiệu cần kích thích những cuộc trò chuyện tự nhiên của người tiêu dùng về sản phẩm hay dịch vụ của mình. 

Chính vì vậy, một câu chuyện thương hiệu truyền thông lôi cuốn, hấp dẫn hoặc sản phẩm có chất lượng tốt, tạo ra được hiệu ứng lan truyền trong cộng đồng sẽ là những điều doanh nghiệp cần có.

PR

Với nhiều hoạt động khác nhau được thực hiện nhằm mục đích xây dựng và quảng bá hình ảnh thương hiệu trước công chúng, PR thường được các doanh nghiệp sử dụng để nâng cao hình ảnh cộng đồng hoặc xử lý khủng hoảng truyền thông.

Câu chuyện thương hiệu, kết nối với các influencer, tổ chức sự kiện hay thư điện tử… là một số cách thức, phương tiện PR phổ biến, được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay.

tiếp thị
PR thường được các doanh nghiệp sử dụng để nâng cao hình ảnh cộng đồng hoặc xử lý khủng hoảng truyền thông (Ảnh sưu tầm)

Tiếp thị trực tiếp

Đây là cách tiếp thị sản phẩm truyền thống, doanh nghiệp sẽ truyền thông trực tiếp tới người tiêu dùng mà không qua các bên trung gian. 

Để áp dụng hình thức này, doanh nghiệp phải có thông tin dữ liệu của nhóm khách hàng mục tiêu và tiếp cận họ thông qua các công cụ như email, tin nhắn, gọi điện thoại.

Khuyến mãi

Các chương trình khuyến mãi được triển khai nhằm kích thích chi tiêu của khách hàng. Tùy theo từng mục tiêu cụ thể, doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức khuyến mãi phù hợp, có thể là dùng thử sản phẩm, cuộc thi, rút thăm trúng thưởng, hoàn tiền hay mã giảm giá, voucher, coupon…

Quảng cáo trả tiền

Để tiếp thị sản phẩm theo hình thức này, doanh nghiệp cần trả chi phí cho các đơn vị truyền thông khác, nhằm lặp đi lặp lại một thông điệp tới khách hàng thông qua các kênh như báo chí, truyền hình, phát thanh. Thông thường, quảng cáo trả tiền chỉ được áp dụng khi doanh nghiệp có nguồn ngân sách nhất định.

Tại sao doanh nghiệp cần chiến lược tiếp thị sản phẩm chuẩn?

Một chiến lược tiếp thị bài bản sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu hiệu quả hơn đồng thời định hướng doanh nghiệp trong khâu phát triển, đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, khi có chiến lược cụ thể, người quản lý cũng dễ dàng hơn trong việc nắm bắt các hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời phân bổ nguồn lực hợp lý.

tiếp thị
Chiến lược tiếp thị bài bản giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu hiệu quả (Ảnh sưu tầm)

Đặc biệt, trong các hình thức tiếp thị sản phẩm, tiếp thị số là xu hướng phổ biến, được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất hiện nay với nhiều ưu điểm:

  • Quảng bá sản phẩm rộng rãi

Với sự phát triển của mạng Internet, tiếp thị số không giới hạn số lượng, phạm vi khách hàng tiềm năng tiếp cận với sản phẩm, thông điệp của doanh nghiệp.

  • Tối ưu hóa và tăng tỷ lệ chuyển đổi

Giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu dù họ ở bất cứ đâu trên thế giới, cung cấp trải nghiệm mang tính cá nhân cao. Bên cạnh đó, tiếp thị số cũng tối ưu việc tương tác và xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa với khách hàng, thực hiện giám sát, đo lường hiệu quả chiến dịch dựa trên các chỉ số.

  • Hạn chế rủi ro

Tiếp thị số giúp doanh nghiệp có thể lập kế hoạch và thực hiện chiến lược marketing với mức chi phí tối thiểu. Đồng thời, hình thức này cũng cho phép người dùng theo dõi, giám sát và phân tích, hạn chế tối đa rủi ro về tài chính.

  • Tối ưu chi phí hiệu quả

Tiếp thị số là một hình thức phù hợp nếu doanh nghiệp có mức ngân sách không quá cao cho việc quảng cáo, chi phí thấp hơn so với các hình thức khác cùng một phạm vi tiếp cận tiềm năng. Thậm chí, một số nền tảng tiếp thị số cho phép người dùng giao dịch miễn phí.

Chiến lược tiếp thị chuẩn quan trọng với bất cứ doanh nghiệp nào muốn định vị sản phẩm hoặc dịch vụ của mình trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các nhóm sản phẩm, tiếp thị và bán hàng nhằm cải thiện, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm và lợi ích, giá trị mà chúng mang lại cho khách hàng.

Hướng dẫn xây dựng kế hoạch tiếp thị sản phẩm mới tăng doanh thu

Tiếp thị sản phẩm gồm nhiều giai đoạn để đạt được tiềm năng tối đa trong việc tiếp cận các đối tượng khách hàng mục tiêu. Từ giai đoạn nghiên cứu ban đầu, phát triển đến hoạt động sau khi ra mắt và phân tích các kết quả của chiến lược.

Hiểu rõ sản phẩm 

Để tiếp thị hiệu quả, doanh nghiệp cần chỉ ra những điểm nổi bật trong sản phẩm của mình, từ đó thuyết phục khách hàng trải nghiệm và giới thiệu với vòng bạn bè, người thân. Vì vậy, hiểu rõ sản phẩm là một trong những yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất doanh nghiệp cần thực hiện khi xây dựng kế hoạch tiếp thị mới.

tiếp thị
Hiểu rõ sản phẩm là một trong những yêu cầu đầu tiên doanh nghiệp cần thực hiện khi xây dựng kế hoạch tiếp thị mới (Ảnh sưu tầm)

Bên cạnh các thông tin cơ bản như màu sắc, kích thước, công dụng, dòng sản phẩm, người lên kế hoạch còn phải nắm được những thông tin khác như lợi ích, ưu điểm, nhược điểm của chúng.

Hãy trả lời những câu hỏi chính mà khách hàng có thể đặt ra về sản phẩm, đồng thời hiểu rõ các yếu tố làm sản phẩm trở nên độc đáo, khác biệt. 

Ví dụ, để phân biệt sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình so với các đối thủ cạnh tranh, cần đưa ra các USP (unique selling point – điểm bán hàng độc nhất) như chi phí thấp, chất lượng cao, sản phẩm đầu tiên trên thị trường… 

Bên cạnh USP, KSP (key selling point) cũng là một mắt xích quan trọng giúp khách hàng mục tiêu hiểu hơn về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Đây là những từ khóa đại diện giúp nhân viên kinh doanh tư vấn bán hàng hiệu quả hơn, đồng thời để khách hàng tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu trực quan hơn.

Nghiên cứu khách hàng mục tiêu 

Sản phẩm được tạo ra nhằm mục đích phục vụ một nhóm đối tượng khách hàng cụ thể, giải quyết nỗi đau cũng như đáp ứng những nhu cầu của họ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, xác định tệp khách hàng tiềm năng sẽ giúp doanh nghiệp tạo nên những sản phẩm có ích cho người tiêu dùng, đồng thời xây dựng kế hoạch tiếp thị dễ dàng, hiệu quả hơn.

tiếp thị
Nghiên cứu, xác định tệp khách hàng tiềm năng sẽ giúp doanh nghiệp tạo nên những sản phẩm có ích cho người tiêu dùng, đồng thời xây dựng kế hoạch tiếp thị dễ dàng, hiệu quả hơn (Ảnh sưu tầm)

Để nghiên cứu, phân tích tệp khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp có thể dựa trên các yếu tố dưới đây:

  • Nhân khẩu học: giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp…
  • Vị trí địa lý: khu vực sinh sống, học tập và làm việc
  • Tâm lý: Nỗi đau họ gặp phải, sở thích, mong muốn…
  • Hành vi: Đối với những sản phẩm tương tự, họ có thái độ, hành vi như thế nào khi sử dụng.

Phân tích đối thủ cạnh tranh

Khi tiếp thị sản phẩm, đối tượng doanh nghiệp cần nghiên cứu không chỉ có khách hàng. Để đánh bại các đối thủ khác trên thị trường, cần hiểu rõ hoạt động họ đang thực thi, từ đó, đánh giá, phán đoán các kế hoạch sắp tới của họ, đồng thời đưa ra quyết định phù hợp để chiếm lĩnh thị phần.

tiếp thị
Để đánh bại các đối thủ khác trên thị trường, cần hiểu rõ hoạt động họ (Ảnh sưu tầm)

Trong đó, khi mới ra mắt sản phẩm, doanh nghiệp càng nên nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh để tìm ra điểm hay, điểm mới cũng như điểm yếu, điểm sai của họ. Đây sẽ là kênh hiệu quả để rút ra bài học phát triển, quảng bá sản phẩm trong tương lai.

Xác định mục tiêu

Xác định mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến kết quả của chiến lược, đồng thời giúp thương hiệu tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực thực thi để đạt được hiệu quả tối ưu. 

Với từng mục tiêu cụ thể, doanh nghiệp sẽ có những phương hướng thực thi riêng, hướng đến nhóm kết quả khác nhau, có thể là nâng cao nhận thức người tiêu dùng về sản phẩm, thúc đẩy hành vi mua hàng hay gia tăng tần suất sử dụng hay giới thiệu cho bạn bè, người thân.

Chọn công cụ, hình thức tiếp cận phù hợp

Việc lựa chọn các công cụ Marketing phù hợp nhằm thực thi các bước trong kế hoạch đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, có một số hình thức phổ biến, được nhiều doanh nghiệp áp dụng dưới đây:

  • Tiếp thị qua Email
  • Tiếp thị qua các nền tảng Mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok…
  • Tiếp thị qua báo chí
  • Quảng cáo trả phí.
tiếp thị
Email là một trong những công cụ Marketing hiệu quả, phổ biến, được các doanh nghiệp áp dụng hiện nay (Ảnh sưu tầm)

Dự trù ngân sách

Nguồn lực dành cho mỗi chiến lược Marketing của doanh nghiệp thường có giới hạn cụ thể. Chính vì vậy, một bước quan trọng không kém khi xây dựng kế hoạch tiếp thị sản phẩm mới chính là xác định nguồn ngân sách để phân chia tài chính một cách tối ưu, đưa ra những quyết định phù hợp. 

Để duy trì hiệu quả một chiến lược tiếp thị sản phẩm, doanh nghiệp cần chuẩn bị một nguồn ngân sách đủ lớn và ổn định. Bên cạnh đó, các yếu tố về con người, đội ngũ nhân sự có đam mê, sự sáng tạo, nhạy bén và linh hoạt cũng vô cùng quan trọng. Có như vậy, chiến lược mới được thực hiện đúng định hướng và có hiệu quả.

Việt Producer - Chuyên sản xuất phim doanh nghiệp, TVC

Share:

Picture of Trang Ái
Trang Ái

facebook  twitter  Tumblr  pinterest   Linkedin   instagram  Flickr

Tôi là Trang Ái, có đam mê với video cho doanh nghiệp. Hiểu được rằng video là trợ thủ đắc lực để định vị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu. Vì thế, tôi mong muốn lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này để tạo giá trị hữu ích cho người đọc.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Scroll to Top