Concept truyền thông là ý tưởng, tinh thần chung cho một chiến dịch truyền thông. Mọi hoạt động sẽ đều xoay quanh chủ đề đó. 16 concept truyền thông bất biến do công ty Truyền thông Trăng Đen nghiên cứu, phát triển và được ứng dụng rộng rãi. Các chủ đề đều mang tính “kinh điển”, dễ dàng gây chú ý và điều hướng cảm xúc của công chúng.
16 concept truyền thông bất biến giúp content viral
Tổng hợp 16 concept truyền thông bất biến:
Concept Sex
Concept Sex bao gồm cả ý nghĩa về giới tính. Sex là chủ đề nhạy cảm nhưng có sức hấp dẫn và độ lan truyền cao, thường nhận được sự quan tâm của phần lớn công chúng, không phân biệt độ tuổi và giới tính. Lý do là concept kích thích được trí tò mò của con người.
Chủ đề sex hay tình dục đã được nhiều thương hiệu áp dụng từ lâu và trở thành hình ảnh chính, xuyên suốt thời gian hoạt động. Một trong những thương hiệu thành công điển hình là tạp chí Playboy – Một biểu tượng lớn trong thế kỷ XX, ghi dấu ấn với hình ảnh các cô gái gợi cảm.
Tuy nhiên, sex là concept khó để ứng dụng và đạt hiệu quả như mong đợi bởi độ rủi ro cao. Điều này còn tùy thuộc vào văn hóa, hành vi của đối tượng và cách truyền thông của tổ chức đó. Khi sử dụng chủ đề sex, bạn cần lưu ý tới thông điệp truyền thông phải rõ ràng, xác định được ranh giới giữa “phản cảm” và “sexy”.
Concept Chuyện lạ
Concept chuyện lạ là tạo ra những hoạt động “khác với bình thường” để khơi gợi sự hào hứng từ công chúng. Sáng tạo ra chuỗi hoạt động chuyện lạ không khó nhưng cần đủ sức hấp dẫn để thu hút được đông đảo người tham gia, tiếp nhận.
Trong thời gian dịch Covid, xã hội hạn chế di chuyển, nhiều tổ chức đã tận dụng thời cơ, phát động các hoạt động cùng hát, làm việc, nói chuyện…online. Giữa thời điểm con người cần sự giao tiếp, chuỗi hoạt động trên như một phong trào, đem lại cảm xúc tích cực cho mọi người nên nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nhược điểm là concept không được phép lặp lại về nội dung và hình thức. Đặc biệt, thời gian tồn tại khá ngắn, hoạt động khó để kéo dài và giữ được độ “hot”.
Concept Gây tranh cãi
Khi tiếp nhận nội dung có chủ đề gây tranh cãi, công chúng sẽ có xu hướng bàn luận và đưa ra nhiều luồng ý kiến. Một số ví dụ cho concept trên là scandal, nghi vấn, tin đồn, quan điểm ngược với quan điểm số đông,… Concept phù hợp với môi trường nghệ thuật hoặc showbiz.
Gây tranh cãi là chủ đề khó áp dụng. Nếu không kiểm soát được luồng dư luận, chiến dịch truyền thông sẽ phản tác dụng, để lại nhiều hậu quả khôn lường như khán giả quay lưng, mất uy tín, mất hình ảnh…
Concept Kinh dị
Concept ma mị, kinh dị hay bí ẩn có sức hút lớn với những công chúng trẻ tuổi. Chủ đề có tính khơi gợi trí tò mò cũng như thúc đẩy tinh thần thử sức của con người. Một “sự thật thú vị” được nhiều người công nhận là dù con người sợ ma nhưng vẫn luôn muốn xem hoặc tìm hiểu về những mẩu chuyện ma. Các kênh Youtube kể chuyện kinh dị hoặc tâm linh luôn có lượt xem và tương tác cao. Điều này đã phần nào chứng minh cho “sự thật” trên.
Tuy có “độ nóng” cao nhưng người áp dụng nên chú ý, không nên dùng cho những thương hiệu có hình ảnh trái ngược với concept kinh dị, như: trong sáng, sang trọng, quyến rũ, tinh tế,…
Concept UFO
UFO là viết tắt của cụm từ unidentified flying object – vật thể bay không xác định, hay được gọi là đĩa bay. Hoạt động truyền thông theo concept UFO sẽ xoay quanh chủ đề đĩa bay, người ngoài hành tinh, hoặc rộng hơn là thông tin về hành tinh, thiên hà, vũ trụ,… Tương tự với concept kinh dị, UFO cũng là concept phổ biến với hình thức truyền thông qua video như Youtube, Tiktok. Tệp đối tượng chủ yếu là những người có đam mê tìm hiểu về những vật thể bay ngoài không gian nên tính ứng dụng không cao.
Concept Tài sản lớn
Concept truyền thông Tài sản lớn tạo sự chú ý bằng cách đánh vào khía cạnh vật chất, tiền bạc của đời sống. Khi tiêu đề bài viết có chứa số tiền lớn, công chúng sẽ đi từ cảm xúc ngạc nhiên tới tò mò và cuối cùng là đi sâu tìm hiểu bài viết. Mục đích của concept trên có thể là “giật tít”, cảnh báo hoặc thể hiện những ý nghĩa tích cực, tùy vào cách dùng từ của người sáng tạo.
Concept Người nổi tiếng (tin nóng)
Concept truyền thông có sự xuất hiện của người nổi tiếng luôn là chủ đề tạo được tiếng vang rõ rệt nhất. Do đó, các trang thông tin chuyên về ca sĩ, diễn viên, KOLs hay chính trị gia đều có lượng tương tác cao.
Concept Con kiến kiện củ khoai
Concept con kiến kiện củ khoai tập trung vào việc tạo ra dư luận bất bình, thông qua những sự kiện bất công bằng giữa người giàu người nghèo, người yếu thế và người bề trên. Phần lớn công chúng sẽ đứng về phía người yếu thế và đòi công bằng cho họ. Giống với concept Gây tranh cãi, chủ đề con kiến kiện củ khoai cũng là kiểu truyền thông có độ “nóng” cao, lượng tương tác lớn.
Concept Bật mí bí mật
Những bí mật về đời tư, sự nghiệp hay chính trị, xã hội đều có sức hút nhất định với công chúng. Có thể thấy, thông tin càng mang tính thời sự hay liên quan tới người nổi tiếng, càng có sức lan truyền nhanh chóng.
Báo Dispatch tại Hàn Quốc nổi tiếng nhờ việc bật mí các cặp đôi nổi tiếng hẹn hò vào mỗi năm. Đó trở thành “truyền thống” của tờ báo, được nhiều người chờ đợi.
Concept Đeo bám
Concept truyền thông Đeo bám có đặc điểm là theo sát diễn biến của một sự kiện, vấn đề từ khi mới bắt đầu tới khi kết thúc và ảnh hưởng sau đó. Công chúng sẽ cùng theo dõi và nắm được tình hình của sự kiện một cách kịp thời. Nhờ tính chất trên, concept này có tính thời sự cao và giữ được độ “hot” lâu.
Vụ kiện của bà Nguyễn Phương Hằng là một ví dụ điển hình cho truyền thông concept đeo bám. Báo chí và các kênh mạng xã hội đăng tin về bà ngay từ những ngày vấn đề được chú ý tới và khui ra.
Concept Cảm động
Chiến dịch quảng cáo mang concept cảm động luôn là ý tưởng “bất bại” trong mỗi mùa trung thu hay ngày lễ, ngày Tết. Concept thường khai thác cảm xúc công chúng ở những khía cạnh về tình thân, tình mẫu tử, tình bạn bè,…
Các chiến dịch Tết của Coca Cola hay dầu ăn Neptune là hai ví dụ nổi bật cho sự thành công khi đánh vào cảm xúc của người xem. TVC quảng cáo đậm chất Tết cùng cốt truyện cảm động về ý nghĩa tình thân trở thành hình ảnh quen thuộc với người tiêu dùng mỗi dịp năm mới.
Concept Có ích, hữu dụng
Concept dạng cung cấp thông tin, kiến thức hay review, đánh giá luôn có chỗ đứng vững chãi trong lĩnh vực truyền thông. Người tiêu dùng, người sử dụng sản phẩm thường có xu hướng tìm hiểu về dịch vụ hoặc sản phẩm trước khi dùng nên nhu cầu nghiên cứu thông tin cao.
Khi sử dụng concept cung cấp kiến thức, việc có được lòng tin từ đối tượng tiếp nhận rất quan trọng. Thông tin có độ chính xác cao, hữu ích với người dùng sẽ càng được nhiều người tin tưởng theo dõi, đồng thời gia tăng lượng đối tượng quan tâm.
Hà Linh Official là một trong những kênh đánh giá, review mỹ phẩm được nhiều chị em quan tâm. Lý do đến từ việc đánh giá khách quan, có đủ nội dung chê và khen rõ ràng.
Concept thể hiện sự phi thường, kỳ quặc
Concept phi thường xoay quanh những câu chuyện tích cực, thể hiện sự vươn lên không ngừng nghỉ của một đối tượng. Cùng với đó, concept kỳ quặc gắn liền với những sự kiện khó hiểu, ngớ ngẩn, khác với lẽ thường.
Thông điệp theo concept phi thường hầu hết đều đem lại phản ứng tích cực. Ngược lại, concept kỳ quặc có thể thu hút được nhiều sự chú ý hơn nhưng có khả năng nhận được những ý kiến trái chiều, phản đối.
Ví dụ về kênh Youtube chuyên thực hiện những thử thách vui nhộn cho trẻ nhỏ dưới đây, lượng người xem và đăng ký kênh luôn ở mức ấn tượng. Dù vậy, các phụ huynh vẫn không khuyến khích con xem do có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hành động, suy nghĩ của trẻ.
Concept Trẻ em ngây thơ
Chiến dịch truyền thông hướng đến đối tượng trẻ em hay sử dụng trẻ em làm nguồn cảm hứng sẽ mang lại cảm giác trong sáng và ngây thơ. Đối với chủ đề này, các yếu tố đều phải đảm bảo phù hợp với bé, tránh các yếu tố mang tính kinh dị hay thô tục.
Ví dụ: Chiến dịch truyền thông của hãng tã bỉm Huggies hướng tới concept trong sáng và nhẹ nhàng. Màu sắc, bối cảnh, nhân vật và âm thanh đều được thống nhất sao cho thích hợp nhất với chủ đề mẹ và bé.
Concept Động vật dễ thương
Concept động vật dễ thương sử dụng hình ảnh động vật làm nhân vật chính, thường truyền tải những thông điệp vui vẻ tới công chúng. Nội dung có thể không chứa nhiều ý nghĩa nhưng mục đích chủ yếu là mang lại cảm xúc nhẹ nhàng, tươi sáng hoặc vui nhộn. Do vậy, xu hướng tương tác của dư luận không quá mạnh mẽ.
Concept Giải thưởng, chứng nhận cuộc thi
Cuộc thi hay giải thưởng là phương án truyền thông phổ biến cho những đơn vị muốn tạo sự chú ý và gây dựng hình ảnh uy tín, chuyên nghiệp. Cuộc thi có quy mô lớn, giải thưởng hấp dẫn sẽ chứng minh được độ lớn mạnh của đơn vị tổ chức và kéo được nhiều người tham dự.
Một hoạt động truyền thông có thể áp dụng một hoặc nhiều concept cùng một lúc, tùy vào mục đích và khả năng sáng tạo thông điệp của người làm. Đối với một chiến dịch “đường dài” cho thương hiệu hay doanh nghiệp, concept truyền thông chỉ nên có một để đảm bảo tính thống nhất. Công chúng khi đó cũng dễ dàng xác định được hình ảnh bạn hướng tới.
Cách sáng tạo concept truyền thông chất lượng
Quy trình sáng tạo ra concept truyền thông chất lượng cần trải qua 5 bước sau:
Nghiên cứu và thu thập thông tin
Bước đầu tiên cần thực hiện là nghiên cứu đối tượng: Giới tính, độ tuổi, hành vi, thói quen, sở thích, gu thẩm mỹ,… Đây là những yếu tố có sự ảnh hưởng lớn tới quyết định cũng như thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng. Dựa vào đó, người làm có thể đưa ra những quyết định về concept truyền thông chính xác nhất.
Xử lý thông tin và lên ý tưởng
Sau khi có thông tin từ bước 1, bạn cần tiến hành sắp xếp, nghiên cứu:
- Đánh giá đối tượng
- Liệt kê những khó khăn, thử thách có thể gặp phải
- Đánh giá khả năng thành công
- Đặt ra mục tiêu cần đạt được.
Brainstorming (phương pháp động não)
Bước 3 là giai đoạn triển khai thiết kế concept, dựa trên những thông tin nhận được từ bước 1 và 2. Concept cho hoạt động truyền thông bao gồm nhiều hạng mục, cần phân chia hợp lý tới các đội, nhóm để quá trình làm việc được suôn sẻ và ăn ý.
Lựa chọn concept tốt nhất
Concept truyền thông khi thiết kế cần có nhiều phương án để lựa chọn. Concept được chọn cần thỏa mãn các nhu cầu, tiêu chí đã đặt ra từ ban đầu.
Triển khai ý tưởng
Tiến hành triển khai ý tưởng và theo dõi liên tục trong toàn chiến dịch truyền thông; đồng thời điều chỉnh concept, kế hoạch sao dựa trên những phản hồi từ công chúng.
Nhìn chung, concept hay tinh thần truyền thông chủ đạo có thể coi là “kim chỉ nam” để điều hướng toàn bộ các ý tưởng, hoạt động về sau. Nếu biết cách áp dụng, 16 concept truyền thông bất biến trên đây sẽ là “bí quyết” thành công cho mọi chiến dịch.