Hướng dẫn viết kịch bản sân khấu ấn tượng cho người mới

Home - Kịch bản - Hướng dẫn viết kịch bản sân khấu ấn tượng cho người mới

Được ví như “xương sống” của chương trình, kịch bản sân khấu đóng vai trò quan trọng, tạo nên không khí, sức hấp dẫn, lôi cuốn đối với người tham gia. Để hoàn thiện một kịch bản chi tiết, người viết cần lên kế hoạch và triển khai theo từng bước cơ bản, điều chỉnh trong quá trình sản xuất nhằm phù hợp với tình hình thực tế.

Khái niệm kịch bản sân khấu

Kịch bản sân khấu là một tài liệu viết sẵn để hướng dẫn MC, khách mời, người tham dự hay những người biểu diễn trong quá trình thực hiện chương trình, sự kiện, vở kịch… trên sân khấu. Một kịch bản đầy đủ thường bao gồm các hướng dẫn về cách triển khai chương trình, diễn xuất, lời thoại, cảnh quay, vị trí camera… cùng một số ghi chú liên quan.

kịch bản sân khấu
Kịch bản xuất hiện cùng sự ra đời của các loại hình sân khấu kịch (Ảnh sưu tầm)

Kịch bản xuất hiện cùng sự ra đời của các loại hình sân khấu kịch, người viết phải xuất phát từ những đối lập trong hiện thực đời sống để sáng tạo nên những tình huống xung đột vừa khái quát, vừa cụ thể. Trải qua thời gian với nhiều bước kế thừa và phát triển, kịch bản dần có sự biến hóa linh hoạt để tồn tại trong một “diện mạo” phong phú, thích ứng nhiều loại hình sáng tác.

Với tư cách là một đề cương tổng quan hay cụ thể đến từng chi tiết nhỏ, kịch bản sân khấu là cơ sở chính cho “tập thể tác giả”, ban tổ chức hoàn thiện tác phẩm, chương trình của mình. Tuy nhiên, không giống với những kịch bản thể loại khác, kịch bản sân khấu có một số đặc trưng riêng về ngôn ngữ, hành động, xung đột trọng tâm…

Đặc trưng nổi bật của những kịch bản sân khấu hay

Kịch bản sân khấu không chứa một dung lượng lớn hiện thực như các tác phẩm văn học vì nó không thể thoát ly khỏi điều kiện sân khấu, giới hạn về mặt không gian, thời gian, khối lượng sự kiện và số lượng nhân vật. Do đó, cách viết kịch bản sân khấu là gạt bỏ những chi tiết rườm rà, tản mạn, không phù hợp, chỉ tập trung lựa chọn những xung đột trong đời sống làm đối tượng mô tả.

Yếu tố xung đột 

Đều có nội dung chính là miêu tả bức tranh hiện thực của đời sống, thế nhưng, khác với kịch bản văn học hay phim truyện dài tập, kịch bản sân khấu bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Vì vậy, cốt truyện phải có tính kịch, bắt đầu từ xung đột và hướng đến giải quyết nó.

Xung đột kịch là động lực thúc đẩy, phát triển các hành động của nhân vật. Đồng thời, đây cũng là yếu tố chi phối trực tiếp đến nội dung, cấu trúc và nhịp độ vận động của một tác phẩm, chương trình. Bên cạnh đó, để tìm hiểu, khám phá những vấn đề thuộc về bản chất đời sống, người viết những kịch bản sân khấu hay phải tạo ra những xung đột mang tính xã hội sâu sắc, phản ánh nhiều mặt của hiện thực.

Hiện thực luôn là sự đối lập giữa nhiều phạm trù thẩm mỹ như cái đẹp – cái xấu, cái thiện – cái ác, cái tiến bộ – cái lạc hậu… Xung đột kịch thường nằm ở chính những đoạn cao trào của sự vận động các xu hướng này. Từ mâu thuẫn tồn tại trong lòng đời sống, người viết kịch phải tiến hành tổng hợp, chọn lọc, sáng tạo nên những xung đột mới vừa điển hình, vừa khái quát.

Yếu tố hành động

Hành động là phương tiện bộc lộ rõ tính cách, bản chất của con người. Hành động trong kịch bản được thực hiện bởi những người tham gia cốt truyện. Đó không chỉ là động tác, cử chỉ mà còn bao gồm cả những tác động trực tiếp trong mối tương quan với các yếu tố cấu thành nên tác phẩm như xung đột, nhân vật…

Nếu xung đột là yếu tố cần thiết để phát triển tác phẩm, chương trình thì hành động là điều kiện duy trì sự vận hành của nó.

Xung đột là điểm quy tụ, chọn lọc và thực hiện hành động kịch, ngược lại, hành động là hình thức thể hiện trực tiếp nội dung của xung đột. Để giải quyết xung đột, cần có hành động cụ thể của nhân vật, vì vậy, xung đột càng căng thẳng, cao trào thì xu hướng hành động càng trở nên quyết liệt, mạnh mẽ, làm tăng thêm sức hấp dẫn cho chương trình, tác phẩm.
kịch bản sân khấu
Hành động là phương tiện bộc lộ rõ tính cách, bản chất của con người (Ảnh sưu tầm)

Do giới hạn của sân khấu về không gian, thời gian, kịch bản thường khá chặt chẽ, tập trung vào cốt truyện chính và xoáy vào trọng tâm xung đột. Cốt truyện hình thành từ hành động, được liên kết với nhau theo một quy luật riêng: quy luật nhân quả. Theo hướng vận động này, các lớp, các hồi, các màn, các cảnh sẽ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đi đến đỉnh điểm của xung đột và nhanh chóng kết thúc.

Bên cạnh đó, trong kịch bản, nhân vật luôn tự bộc lộ, khẳng định tính cách, bản chất của mình thông qua hành động cụ thể, quyết liệt bên ngoài.

Ngôn ngữ kịch bản sân khấu

Người viết kịch bản xây dựng các nhân vật chủ yếu bằng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại chứ không phải ngôn ngữ miêu tả. Điều này đòi hỏi tác giả phải có sự tìm hiểu, vốn sống phong phú, đa dạng. Mỗi nhân vật sẽ có một xuất thân, bản chất, địa vị xã hội cũng như những đặc điểm cá tính riêng, vì vậy phải có một tiếng nói riêng phù hợp, tự nhiên.

Ngôn ngữ kịch bản sân khấu là hệ thống ngôn từ mang tính hành động, có nhiệm vụ mô tả chân dung nhân vật bằng các thao tác, cử chỉ. Nó đảm bảo cho sự phát triển đầy kịch tính của cốt truyện, đồng thời phân tích hành động theo dây chuyền của các nhân vật.

Đặc biệt, sắc thái của ngôn ngữ kịch phải gần gũi với đời sống, súc tích, dễ hiểu, ít nhiều mang tính khẩu ngữ. Tuy nhiên, sự giản dị, mộc mạc ấy không đối lập, mâu thuẫn với cách nói giàu hàm ý, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, triết lý sâu xa. Ngôn ngữ kịch gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân nhưng không phải những lời lẽ thô thiển hay cách nói năng tự nhiên chủ nghĩa.

Xung đột, hành động hay ngôn ngữ là những đặc trưng, yếu tố cần thiết để tạo nên một kịch bản sân khấu hoàn chỉnh theo cấu trúc dưới đây.

Cấu trúc đầy đủ của kịch bản sân khấu

Kịch bản sân khấu thường bao gồm ba hồi, mỗi hồi được triển khai trên nhiều trang giấy thể hiện bối cảnh, nhân vật, lời thoại và hành động chi tiết. Xung đột xuất hiện ngay từ hồi đầu tiên, tạo nên sức nóng, sự lôi cuốn cho tác phẩm.

Hồi thứ nhất

Đây là hồi thiết lập, đặt vấn đề xoay quanh lợi ích của nhân vật chính và nhân vật phụ. Để khán giả, người tham gia hình dung cốt truyện, đồng thời hiểu rõ về vai trò, ý nghĩa của từng nhân vật, người viết phải giới thiệu, xác định nhân vật chính. Trong khâu này, tác giả cần tạo những bối cảnh, thời điểm cụ thể cho sự xuất hiện của nhân vật chính.

Tiếp đến, người sáng tác sẽ giới thiệu những yếu tố quan trọng tạo nên bố cục tác phẩm, chương trình như thế giới, thể loại, giọng điệu; những tuyến nhân vật phản diện, nhân vật quan trọng qua hành động.

Thông thường, xung đột sẽ xuất hiện từ hồi 1, tạo nên những khủng hoảng và vấn đề cho nhân vật chính. Kết thúc hồi này, người sáng tác đặt ra một câu hỏi để trả lời nó trong hồi 2 nhằm phát triển những cao trào, kịch tính chính.

Hồi thứ hai

Hồi 2 là giai đoạn phức tạp hóa vấn đề, hiểu sâu hơn là tạo ra mâu thuẫn trực tiếp giữa lợi ích của nhân vật chính và các tuyến nhân vật khác. Để đẩy xung đột của kịch bản lên cao trào, làm cho nhân vật không còn đường lui, người viết cần tạo ra những bậc thang đưa họ vào bi kịch, từ đó khiến họ phải đấu tranh và trưởng thành.
kịch bản sân khấu
Hồi 2 là giai đoạn phức tạp hóa vấn đề, hiểu sâu hơn là tạo ra mâu thuẫn trực tiếp giữa lợi ích của nhân vật chính và các tuyến nhân vật khác (Ảnh sưu tầm)
Các công đoạn cần thực hiện ở hồi hai:
  • Tiếp tục thiết lập những yếu tố quan trọng của kịch bản, đồng thời làm phức tạp cốt truyện, đời sống cá nhân của nhân vật cũng như các mối quan hệ
  • Phức tạp hóa và phát triển cốt truyện bằng cách sử dụng các yếu tố tạo dựng, làm nhân vật chính bị đẩy vào hoàn cảnh không còn đường lui. Bên cạnh đó, các tuyến truyện phụ cũng cần được triển khai.

Cả cao trào và thoái trào kịch bản đều xuất hiện trong hồi 2, thể hiện qua câu chuyện cá nhân, thắng hay thua của nhân vật chính. Đặc biệt, tuyến phản diện phải dữ dội, mạnh mẽ và tình huống tiếp tục thiên về lực lượng đối lập với nhân vật chính. Trong hồi này, người viết cũng cần tạo cơ hội cho nhân vật thử thách bản thân, từ đó năng lực và sự tự tin của họ được ghi nhận.

Kết thúc hồi 2 có thể là cao trào hoặc thoái trào của xung đột, thế lực phản diện đang ở đỉnh cao của sức mạnh, nhân vật chính phải đối diện với những quyết định khó khăn nhất.

Hồi thứ ba

Đây là phần giải quyết tất cả những mâu thuẫn, xung đột xuyên suốt kịch bản trong hai hồi đầu, đưa ra một cái kết cụ thể hoặc gợi ý một tương lai có thể xảy ra sau khi câu chuyện kết thúc.

Kịch bản sân khấu cần được hoàn thành với kết cấu 3 hồi đầy đủ như trên trước khi bắt đầu thu hình hoặc biểu diễn.

Cách viết kịch bản sân khấu ấn tượng 

Kịch bản không giống như tản văn hay bài cảm nghĩ có thể viết và hoàn thành ngay tại thời điểm viết theo cảm xúc của tác giả. Để có một kịch bản sân khấu hoàn chỉnh, ấn tượng, nhà viết kịch cần có sự đầu tư thời gian, công sức, tiến hành theo từng bước cơ bản sau.

Bước 1: Xây dựng ý tưởng
Ý tưởng là điểm bắt đầu của kịch bản, vì vậy, người viết cần nghiên cứu kỹ đối tượng công chúng và thị trường hướng đến để tìm ra những nhu cầu, xu hướng hiện tại. Tuy nhiên, tác giả không được phép sao chép, đi theo lối mòn, cần suy nghĩ và tìm ra các giải pháp sáng tạo, khác biệt cho kịch bản của mình.
kịch bản sân khấu
Người viết cần nghiên cứu kỹ đối tượng công chúng và thị trường hướng đến để tìm ra những nhu cầu, xu hướng hiện tại (Ảnh sưu tầm)

Đặc biệt, hãy tập trung vào những ý tưởng có tính khả thi cao, mang lại giá trị cho công chúng.

Bước 2: Tham khảo các kịch bản mẫu
Nếu là người mới bắt đầu, tác giả cần tham khảo một số ý tưởng, kịch bản sân khấu mẫu để tìm hiểu về cách triển khai, nội dung từng phần. 
  • Kịch bản truyền hình: tham khảo kịch bản “Friends”, “Stranger Things” hoặc “Game of Thrones” để hình thành ý tưởng về cách xây dựng nhân vật và tình tiết
  • Kịch bản phim tài liệu: tham khảo kịch bản “The Act of Killing” hoặc “Into the Abyss” để nắm bắt cách xây dựng một câu chuyện phức tạp và đầy cảm xúc
  • Kịch bản phim hài: tham khảo các kịch bản “The Hangover” hoặc “Bridesmaids” để hiểu cách triển khai các tình huống hài hước.
kịch bản sân khấu
Tham khảo kịch bản “Game of Thrones” để hình thành ý tưởng về cách xây dựng nhân vật và tình tiết (Ảnh sưu tầm)
Bước 3: Tạo đề cương cho kịch bản
Để lên đề cương cho cốt truyện, người viết kịch cần tiến hành các bước sau:
  • Xác định thể loại kịch bản
  • Tìm hiểu về nhân vật chính trong cốt truyện
  • Đặt ra những câu hỏi “xương sống” cho kịch bản: Nhân vật chính sẽ gặp vấn đề gì? Họ làm gì để giải quyết vấn đề của mình?
  • Tạo ra một kịch bản sơ bộ để xác định cấu trúc câu chuyện, phát triển các ý tưởng mới
  • Viết đề cương bao gồm các thông tin như thể loại, nhân vật chính, câu hỏi và sự kiện chính.
Bước 4: Tạo phân cảnh
Việc phân cảnh trong kịch bản giúp định hình bối cảnh, môi trường mà nhân vật xuất hiện, đồng thời truyền tải tình cảm, quan điểm của người viết.
Một số lưu ý trong quá trình tạo phân cảnh:
  • Xác định mục đích của phân cảnh: Cảnh đóng vai trò như thế nào trong cốt truyện? Có quan trọng hay không?
  • Xác định thời gian và địa điểm của cảnh: Điều này giúp định hình bối cảnh, tình huống mà nhân vật phải đối mặt
  • Xác định các chi tiết cần thiết để đưa vào cảnh, giúp người xem hiểu rõ hơn về hoàn cảnh nhân vật
  • Đảm bảo tính nhất quán: Các cảnh trong kịch bản phải được liên kết với nhau một cách hợp lý để tạo nên cốt truyện hoàn chỉnh, logic.
kịch bản sân khấu
Việc phân cảnh trong kịch bản giúp định hình bối cảnh, môi trường mà nhân vật xuất hiện, đồng thời truyền tải tình cảm, quan điểm của tác giả (Ảnh sưu tầm)
Bước 5: Bổ sung thêm các phân đoạn chi tiết
  • Sử dụng các từ nối như “hơn thế nữa”, “bên cạnh đó”, “tuy nhiên”… để liên kết ý tưởng giữa các phân đoạn
  • Thêm ví dụ, dẫn chứng cụ thể hoặc trích dẫn nguồn đáng tin cậy để chứng minh ý tưởng
  • Lý giải thêm về một khía cạnh cụ thể của chủ đề hoặc phân tích chi tiết hơn một ví dụ.
Bước 6: Viết bối cảnh
Bối cảnh rõ ràng, cụ thể sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về môi trường, thời đại và tình huống xảy ra trong cốt truyện. Để tạo nên bối cảnh phù hợp, người viết cần:
  • Tìm hiểu kỹ về thời đại và văn hóa đặt bối cảnh, nơi câu chuyện sẽ diễn ra
  • Sử dụng nhiều chi tiết mô tả để khắc họa địa điểm, thời gian, tình huống 
  • Chú ý văn phong, ngôn từ để đảm bảo bối cảnh được miêu tả phù hợp, sinh động, thú vị
  • Các bối cảnh phải được miêu tả chi tiết để giúp những người tham gia hiểu và triển khai ý tưởng một cách trọn vẹn.
Bước 7: Xây dựng lời thoại nhân vật
  • Nghiên cứu kỹ nhân vật và tình huống câu chuyện
  • Sử dụng ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh, tình huống và đặc điểm riêng của từng nhân vật
  • Lưu ý về thời gian và nhịp điệu của lời thoại nhằm tạo ra sự trôi chảy, tự nhiên.
Bước 8: Chỉnh sửa và hoàn thiện
Trong quá trình triển khai, sản xuất, kịch bản có thể được sửa đổi hoặc điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế và tình huống phát sinh.
  • Đọc lại và đảm bảo kịch bản có cấu trúc rõ ràng theo từng phần, súc tích, dễ hiểu
  • Tập trung vào việc phát triển cốt truyện và nhân vật để tạo nên kịch bản hấp dẫn, cảm xúc
  • Xem xét việc sử dụng ngôn từ phù hợp để truyền đạt thông tin một cách chính xác, hiệu quả
  • Đảm bảo kịch bản đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đưa ra.
Nếu chưa có quá nhiều kinh nghiệm hoặc còn vài khúc mắc trong quá trình viết, tác giả có thể xin ý kiến đánh giá, nhận xét, bổ sung từ người khác để hoàn thiện hơn.
Để chuyển kịch bản sân khấu thành một tác phẩm, chương trình hoàn chỉnh, trước hết, cốt truyện, nội dung phải thuyết phục được những người đọc đầu tiên như đạo diễn, quay phim, ban tổ chức và các diễn viên. Đây sẽ là những nhân tố góp sức thực hiện, triển khai ý tưởng một cách trọn vẹn.

Việt Producer - Chuyên sản xuất phim doanh nghiệp, TVC

Share:

Trang Ái
Trang Ái

facebook  twitter  Tumblr  pinterest   Linkedin   instagram  Flickr

Tôi là Trang Ái, có đam mê với video cho doanh nghiệp. Hiểu được rằng video là trợ thủ đắc lực để định vị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu. Vì thế, tôi mong muốn lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này để tạo giá trị hữu ích cho người đọc.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Scroll to Top