Cách viết kịch bản về an toàn giao thông không khó hay có yêu cầu quá khắt khe. Hầu hết, các kịch bản về nội dung này thường phục vụ các tiểu phẩm hoặc các cuộc thi nhằm mục đích tuyên truyền. An toàn giao thông là vấn đề nóng, gắn liền với đời sống thường nhật của người dân ở mọi tầng lớp, không phân biệt độ tuổi, giới tính, hay nghề nghiệp. Vì vậy, kịch bản cần có sự gần gũi, chân thực, dễ hiểu và mang tính giáo dục cao.
Các yếu tố cần có trong một kịch bản an toàn giao thông
Tuy đơn giản, nhưng kịch bản an toàn giao thông cần đảm bảo được những yếu tố sau:
- Tình huống
Điều quan trọng nhất trong kịch bản về an toàn giao thông là tình huống được khai thác phải cụ thể, nội dung sâu sắc, cách thể hiện sinh động và hấp dẫn, mang các giá trị nghệ thuật và tạo điều kiện để truyền tải được thông điệp hướng tới đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, các vấn đề trong kịch bản phải bám sát thực tế, đó là những sự việc xảy ra trong cuộc sống thường ngày nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông cho mọi người.
Đặc biệt, kịch bản phải tập trung vào các biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông để đạt hiệu quả tuyên truyền tốt. Nguyên nhân và hậu quả có thể rất quan trọng, nhưng đây là những điều dễ thấy và có thể nhận thức được. Điều người dân cần học tập ở những tiểu phẩm tuyên truyền luôn là các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cả cho bản thân và người xung quanh.
Dựa vào những lỗi cơ bản thường xảy ra, các tình huống có thể liên quan đến: không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, lái xe sau khi uống rượu bia, vượt đèn đỏ,…
- Tiêu đề
Tiêu đề là yếu tố gây ấn tượng đầu tiên kích thích sự tò mò của người xem và khơi gợi mong muốn tiếp tục xem tiểu phẩm. Tiêu đề cần ngắn gọn, xúc tích và bao quát được nội dung kịch bản, đảm bảo người xem dễ ghi nhớ, đặc biệt là với đối tượng thiếu niên, nhi đồng.
- Thời gian
Tùy vào yêu cầu của chương trình hay cuộc thi, mỗi tiểu phẩm đều có giới hạn thời gian cụ thể. Người viết kịch bản phải xây dựng hướng nội dung sao cho phù hợp với khoảng thời gian đó.
- Bối cảnh
Theo nội dung chương trình hay cuộc thi, bối cảnh cho tiểu phẩm nên gần gũi và chân thực với người xem, để làm nổi bật được những vấn đề “nóng hổi” xảy ra tại địa phương. Từ đó, người dân có thể liên tưởng và áp dụng vào đời sống dễ dàng.
- Nhân vật
Nhân vật được lựa chọn cũng cần hướng tới đối tượng cụ thể, thường là những nhân vật có liên quan. Ví dụ, thông điệp mà kịch bản muốn truyền tải là giáo dục các em nhi đồng cũng cần đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, thì các nhân vật được xây dựng trong kịch bản có thể là thầy cô giáo và các em nhỏ cùng lứa tuổi, để tạo được sự đồng cảm với người xem.
- Lời thoại
Với bối cảnh chung là trong cuộc sống thường ngày, những lời thoại sẽ được xây dựng theo hướng giản dị, dễ hiểu, văn minh và có tính giáo dục cao. Ngoài ra, lời thoại có thể mang tính hài hước, chèn thêm các lời thơ văn để tăng sức hấp dẫn cho kịch bản.
- Âm thanh
Âm thanh phù hợp với ngữ cảnh là yếu tố hỗ trợ tạo cảm xúc cho người xem. Tuy nhiên, cần lưu ý âm lượng vừa phải, không được át tiếng nhân vật.
Gợi ý mẫu kịch bản về an toàn giao thông ấn tượng
Tiểu phẩm: “Ai đúng? Ai sai?”
CẢNH 1: TẠI MỘT CON ĐƯỜNG LÀNG, MỘT BÊN LÀ NHÀ DÂN, MỘT BÊN LÀ CÁNH ĐỒNG
Anh A vừa quét cổng vừa nói chuyện với bác hàng xóm.
Bác hàng xóm:
– Chú lại quét cổng đấy à, chăm quá nhỉ?
Anh A:
– Biết sao được bác, đường bụi quá mà, không quét để gió lên lại thổi hết vào sân nhà em.
Đang nói thì một chiếc xe máy phóng nhanh qua sát người anh, khiến gió cuốn bụi làm anh ho sù sụ.
Bác hàng xóm:
– Khiếp, đường thì hẹp mà thanh niên chúng nó phóng bạt mạng thế kia có nguy hiểm không cơ chứ.
Anh A:
– Đúng đấy bác ạ. Tụi trẻ con hay chơi ngoài đường lúc chiều về, đèn đường thì nhập nhèm, khéo cũng có ngày.
Bác hàng xóm lắc đầu “chậc chậc” rồi đi vào. Anh A suy nghĩ một lúc rồi vào nhà lấy một cái thùng xốp ra đặt giữa đường.
Anh A vừa làm, vừa lẩm bẩm: “Để vậy cho đứa nào đi qua biết đường mà giảm tốc độ rồi nhìn trước ngó sau”. Rồi anh đi vào.
CẢNH 2: TRONG NHÀ ÔNG TÈO, TÍ ĐANG NHẬU NHẸT VỚI ĐÁM BẠN KHOẢNG 3-4 NGƯỜI NGOÀI SÂN, SẮP TAN CUỘC
Bạn B:
– Ê Tí, nay làng bên có tổ chức hội làng, qua chơi đê.
Tí:
– Oke con dê, đợi tao kêu thằng Cò, nó ỉ ôi mấy bữa nay rồi.
Đám bạn:
– Oke
Đám bạn đứng lên dắt xe
Anh Tí: (gọi với vào trong nhà)
– Thằng Cò đâu, đi hội làng không?
Cò: (nói vọng ra)
– Có chứ, đợi em tìm cái mũ bảo hiểm.
Anh Tí:
– Ôi zào, mũ bố mẹ đội đi rồi, không còn đâu.
Cò:
– Vậy đi sao được, cô giáo em dặn đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm.
Bạn anh Tí: (nghe được liền cười xòa)
– Vẽ chuyện, từ đây qua làng bên có chút xíu, mày cứ làm như lên thành phố không bằng, tụi anh cũng có đội đâu.
Anh Tí: (giục)
– Nhanh lên, không đi thì ở nhà.
Rồi anh vặn ga như chuẩn bị đi.
Cò: (chạy vội ra, leo lên xe)
– Em đi.
CẢNH 3: NGOÀI ĐƯỜNG, TRƯỚC CỬA NHÀ ANH A
Cả hội phi xe ra đường, xe nào cũng đi nhanh, dàn hàng 3 trên đường, do có men say nên tay lái hơi liệng. Đèn xe chiếu đến thùng xốp trước mặt, thì anh phanh gấp nhưng không kịp, đụng phải thùng xốp, lảo đảo ngã ra đường, 2 chiếc xe của bạn anh cũng vướng vào nhau nên cả hội cùng ngã “chổng vó”. Cò ngã đụng đầu vào tường của nhà bên đường, sưng u một cục, oa oa khóc to.
Anh A và bác hàng xóm: (nghe tiếng liền chạy ra xem, luôn miệng hỏi)
– Sao rồi, thế nào rồi, ai bị gì không?
Bác hàng xóm xoa xoa đầu cho thằng Cò, Tí và các bạn dựng xe dậy.
Tí: (mắng)
– Thằng nào thất đức để thùng xốp giữa đường thế? Có biết nguy hiểm lắm không hả?
Anh A:
– Tao để đấy, cũng biết là nguy hiểm hả, nhìn thấy thì biết đường mà đi chậm lại chứ, phóng như đi ăn cướp vậy.
Tí:
– Anh không để đó thì chả ai việc gì.
Hai người đang cãi nhau thì nghe tiếng còi của bác tổ trưởng tổ dân phố:
– Trật tự, cãi nhau cái gì đấy.
Bác hàng xóm kể lại câu chuyện cho bác tổ trường nghe.
Bác tổ trưởng: (tức giận, gõ đầu cả 2 người)
– Cả hai anh đều sai, cãi cái gì.
Anh A đang định nói thì bác tổ trưởng chỉ vào anh:
– Anh để thùng chặn đường, cản trở giao thông và gây tai nạn cho người tham gia giao thông.
Bác tổ trưởng (tiếp tục chỉ anh Tí):
– Anh phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang trên đường. Bằng lái xe của mấy đứa đâu?
Tí và các bạn (ấp úng):
– Dạ…chúng cháu…chúng cháu chưa có ạ.
Bác tổ trưởng (lên giọng):
– Cái gì?
Bác tổ trưởng (chợt dừng lại, ghé lại sát anh Tí ngửi ngửi, rồi cao giọng quát):
– Đã uống rượu còn dám lái xe, mấy đứa có biết sợ là gì không hả?
Bác tổ trưởng (lại quay sang thằng Cò đang khóc thút thít):
– Còn cháu nữa, ở trường cô giáo đã dạy chưa mà không nhắc các anh, bản thân cũng không đội mũ để va đầu, đã thấy sai chưa?
Mọi người bị quát đều im thin thít.
Cò:
– Cháu biết lỗi rồi ạ, cháu xin lỗi bác.
Bác hàng xóm (giảng hòa):
– Thôi, chúng nó chắc cũng biết sợ rồi, nhớ rút kinh nghiệm, cũng may chưa gây ra hậu quả lớn, nhưng lần sau chưa chắc đã may mắn như vậy đâu. Quay về, không đi đâu nữa, Tí mang em về chườm đá cho nó, (quay sang anh A), chú cất thùng đi, sau không làm vậy nữa.
Anh A (cúi đầu tỏ vẻ hối lỗi):
– Vâng, bác.
Bác tổ trưởng:
– Nay bác tha cho mấy đứa là lần đầu, còn có lần sau, bác lôi hết lên công an xã, bị phạt cho nhớ.
Tí và các bạn (rối rít):
– Chúng cháu cảm ơn bác ạ.
Bác tổ trưởng:
– Nhớ ra đường phải đội mũ bảo hiểm, đi xe với tốc độ quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường. Quan trọng là uống rượu rồi thì không được lái xe mà gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh, phải nghiêm túc chấp hành luật giao thông đường bộ, luật thì ngày nào cũng nói ra rả trên loa mà không thấy ngấm vào đầu. Thấy câu khẩu hiệu kia chưa? (Chỉ lên băng rôn đang treo), các bác treo lên cho mà thấy rồi đấy. AN TOÀN GIAO THÔNG LÀ HẠNH PHÚC CỦA MỌI NHÀ.
Tí:
– Chúng cháu xin lỗi bác, chúng cháu nhớ rồi ạ.
Tất cả đồng thanh:
– AN TOÀN GIAO THÔNG LÀ HẠNH PHÚC CỦA MỌI NHÀ.
Kết thúc. Chào khán giả.
Cách viết kịch bản về an toàn giao thông không quy định khắt khe về quy cách trình bày hay ngôn từ hoa mỹ. Để đạt được mục đích tuyên truyền, nội dung phải gần gũi với người xem và có tính giáo dục cao, tình huống là các vấn đề nóng hổi tại địa phương, lời thoại tự nhiên, các giải quyết vấn đề hợp lý. Quan trọng, mỗi kịch bản phải hướng tới đúng đối tượng và nêu ra biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cụ thể. Như vậy, kịch bản mới thu hút người xem và tuyên truyền hiệu quả.
Hãy theo dõi Việt Producer để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nữa nhé!