Hướng dẫn cách viết kịch bản phim điện ảnh gây ấn tượng với đạo diễn

Home - Kịch bản - Hướng dẫn cách viết kịch bản phim điện ảnh gây ấn tượng với đạo diễn

Cách viết kịch bản phim điện ảnh ấn tượng là thách thức không nhỏ với mỗi biên kịch, đặc biệt là những người mới. Ngoài những hiểu biết cơ bản về thể loại, người viết còn cần phải nắm rõ các bước cụ thể, đúng đắn trong xây dựng kịch bản.

Kịch bản phim là gì? So sánh kịch bản phim điện ảnh và phim truyền hình

Kịch bản phim truyền hình là gì? Kịch bản phim truyền hình có khác kịch bản phim điện ảnh không? Cùng Việt Producer tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Khái niệm kịch bản phim

Kịch bản phim là tài liệu mô tả chi tiết những yếu tố có trong một bộ phim, bao gồm: các bối cảnh, lời thoại nhân vật, hành động,.. Nó phải chứa câu chuyện và những tình tiết của phim.

cách viết kịch bản phim điện ảnh
Kịch bản phải chứa câu chuyện và những tình tiết phim (Ảnh: sưu tầm)

So sánh kịch bản phim điện ảnh và phim truyền hình

Khi viết kịch bản điện ảnh và truyền hình sẽ có nhiều điểm giống và khác nhau.

Điểm giống nhau

  • Có đầy đủ các yếu tố của một kịch bản phim

Kịch bản phim điện ảnh và phim truyền hình đều có đầy đủ các yếu tố cấu thành nên một kịch bản phim. Bao gồm các chi tiết về cảnh quay, nhân vật, lời thoại, hành động,..

  • Sử dụng ngôn ngữ điện ảnh

Kịch bản phim điện ảnh và phim truyền hình đều sử dụng loại ngôn ngữ điện ảnh. Câu từ ngắn gọn, hình ảnh và hành động được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn.

Điểm khác nhau

  • Địa điểm công chiếu

Đây là một trong những khác biệt cơ bản nhất của 2 loại kịch bản phim này. Phim truyền hình chủ yếu được xem tại nhà, trên màn hình TV. Ngược lại, phim điện ảnh được công chiếu tại các rạp chiếu phim.

  • Độ dài kịch bản 

Theo quy chuẩn hiện nay, một bộ phim truyền hình 60 phút sẽ có 60 trang kịch bản và phim điện ảnh 90 phút có khoảng 90 trang. Phim điện ảnh có độ dài khoảng 90 trang – 120 trang (với phim 120 phút). Ngược lại, phim truyền hình được chia nhỏ thành nhiều tập, mỗi tập dài khoảng 45 – 60 phút.

  • Chủ đề phim

Kịch bản phim truyền hình thường khai thác những chủ đề gần gũi, mang hơi thở của cuộc sống hằng ngày. Ngược lại, phim điện ảnh sẽ chủ yếu tập trung vào những thể loại khoa học viễn tưởng, phim bom tấn, hành động hay những câu chuyện mang nhiều ý nghĩa khác.

cách viết kịch bản phim điện ảnh
Phim truyền hình được phát sóng trên màn ảnh TV (Ảnh: sưu tầm)
cách viết kịch bản phim điện ảnh
Phim điện ảnh được công chiếu tại các rạp chiếu phim (Ảnh: sưu tầm)

Xem thêm: Hướng dẫn viết kịch bản tiểu phẩm ấn tượng và chuyên nghiệp

Cách viết kịch bản phim điện ảnh gây ấn tượng

Việc xây dựng một kịch bản phim điện ảnh ấn tượng không phải là điều dễ dàng. Biên kịch và đội ngũ ekip sản xuất phải trải qua các bước chuẩn bị, xây dựng và chỉnh sửa kỹ lưỡng, chu đáo.

Chuẩn bị

Công tác chuẩn bị kỹ càng là tiền đề quan trọng để thực hiện các bước sau dễ dàng, nhanh chóng. 

cách viết kịch bản phim điện ảnh
Công tác chuẩn bị kỹ càng giúp thực hiện các bước sau nhanh chóng (Ảnh: sưu tầm)
  • Hiểu rõ bản chất của việc viết kịch bản

Đầu tiên, người viết phải nắm được những kiến thức cơ bản về kịch bản. Một bản phác thảo nội dung với các yếu tố: bối cảnh, nhân vật, hành động,.. của diễn viên. Nó là khung định hướng nội dung, giúp quá trình sản xuất diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.

Khi hiểu rõ được bản chất của việc xây dựng kịch bản, biên kịch có thể xác định được việc cần làm để quá trình quay, dựng phim dễ đạt được thành công.

  • Học hỏi các kịch bản mẫu 

Học hỏi các kịch bản mẫu trước đó là điều cần thiết với biên kịch, đặc biệt là những người mới. 

Việc tham khảo những kịch bản mẫu là phương pháp hiệu quả để rèn luyện cách viết đề cương kịch bản phim điện ảnh. Biên kịch có thể học hỏi về cách trình bày, sử dụng ngôn ngữ, đồng thời trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm quý giá.

  • Lên ý tưởng kịch bản

Đây là bước quan trọng để xây dựng một kịch bản phim điện ảnh ấn tượng. Ý tưởng độc đáo, có chiều sâu giúp biên kịch có thể triển khai được một kịch bản hay. 

Để có cách viết ý tưởng kịch bản tốt, cần thiết kế một khung vững chắc. Sau đó , các yếu tố nội dung, ý tưởng phụ phải có sự liên kết chặt chẽ. 

Xây dựng cách viết kịch bản phim điện ảnh

Sau khi đã hoàn thành các bước chuẩn bị, biên kịch sẽ tiến hành giai đoạn viết kịch bản. Cụ thể, quy trình viết sẽ bao gồm: lên đề cương, phân cảnh, phân đoạn, viết bối cảnh và xây dựng lời thoại. 

cách viết kịch bản phim điện ảnh
Quy trình viết kịch bản bao gồm: lên đề cương, phân cảnh, lời thoại,.. (Ảnh: sưu tầm)

Lập đề cương kịch bản

Việc lập đề cương kịch bản sẽ bắt đầu từ những diễn biến cơ bản và tập trung đến những mâu thuẫn của phim.

Khi lập đề cương, cần phải chú ý về độ dài của kịch bản. Mỗi trang giấy thông thường sẽ tương đương khoảng một phút của phim. Thời lượng trung bình của bộ phim 2 tiếng đồng hồ sẽ xấp xỉ bằng 120 trang. Nếu là phim chính kịch, nên có thời lượng khoảng 2 tiếng và hài kịch sẽ ngắn gọn hơn, trong tầm 1 tiếng rưỡi.

Phân cảnh, phân đoạn cho kịch bản

Đầu tiên, khi phân cảnh, hãy chia câu chuyện thành 3 màn:

  • Màn 1: Giới thiệu về bối cảnh và các nhân vật của bộ phim

Đối với phim chính kịch, màn 1 sẽ dài khoảng 30 trang và thể loại hài kịch là 24 trang.

Ở màn này, biên kịch cần thiết lập thể loại phim (hành động, hài kịch, khoa học viễn tưởng,..). Sau đó, nhân vật chính sẽ xuất hiện và bắt đầu mạch phim, khám phá những mâu thuẫn dẫn dắt câu chuyện. Khi nhân vật gặp trở ngại, màn 2 bắt đầu.

  • Màn 2: Nội dung chính của phim

Màn 2 có độ dài khoảng 60 trang với phim chính kịch và hài kịch là 48 trang.

Tại đây, nhân vật chính gặp trở ngại trong hành trình tìm kiếm lời giải cho mâu thuẫn. Ở màn này, những cốt truyện phụ của phim sẽ được giới thiệu. Đặc biệt, lúc này, nhân vật sẽ xuất hiện nhiều dấu hiệu về sự thay đổi. 

  • Màn 3: Giải quyết mâu thuẫn

Với màn này, độ dài của phim chính kịch sẽ khoảng 30 trang và hài kịch là 24 trang.

Màn 3 có chứa nhiều tình tiết là bước ngoặt và kết thúc những khó khăn. Mạch phim lúc này sẽ diễn ra nhanh và cô đọng hơn.

Sau khi đã hoàn thành phân cảnh, biên kịch sẽ tiến hành bổ sung thêm các phân đoạn cho bộ phim. Đây là những phần nhỏ của câu chuyện, thường diễn ra độc lập với mâu thuẫn chính.

Các phân đoạn cũng có đầy đủ nội dung từ mở đầu, phần thân và kết thúc. Mỗi phân đoạn thông thường có độ dài khoảng 10 – 15 trang. Chúng sẽ tập trung đến một nhân vật cụ thể.

Ngoài ra, phân đoạn sẽ diễn ra những chi tiết cao trào độc lập so với câu chuyện chính. Tuy nhiên, chúng đều có sự ảnh hưởng tới diễn biến của bộ phim.

Xây dựng bối cảnh

Các cảnh phim sẽ chứa đựng những sự kiện của toàn bộ phim. Chúng được diễn ra ở nhiều địa điểm nhất định, có vai trò thúc đẩy sự phát triển cho câu chuyện. 

cách viết kịch bản phim điện ảnh
Bối cảnh phim diễn ra ở nhiều địa điểm nhất định (Ảnh: sưu tầm)

Trong trường hợp, một hay một số cảnh không thể đảm nhiệm được vai trò của nó, hãy cắt bỏ chúng ra khỏi kịch bản phim. Bởi, với những cảnh phim vô nghĩa, nhạt nhòa sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của bộ phim, đồng thời, khán giả sẽ nhận định đó là “hạt sạn” của đội ngũ sản xuất.

Viết lời thoại nhân vật

Sau khi đã phác họa đầy đủ các cảnh phim, biên kịch cần tiến hành xây dựng lời thoại cho các nhân tham gia trong phim. Đây là bước tương đối khó, các đối tượng cần tương tác với nhau nhưng vẫn phải bộc lộ được nét cá tính độc đáo.

Mỗi nhân vật đều có tính cách riêng, vì thế cần có giọng nói, ngữ điệu đặc trưng, thuyết phục. 

cách viết kịch bản phim điện ảnh
Mỗi nhân vật cần có giọng nói, ngữ điệu đặc trưng (Ảnh: sưu tầm)

Khi xây dựng lời thoại cho nhân vật, hãy lưu ý 2 điều sau:

  • Lời thoại thực tế không cần thiết phải quá hay

Không cần thiết phải cố gắng xây dựng những câu từ mĩ miều, lời thoại nên tập trung đến việc phát triển nhân vật và câu chuyện. Vì trong thực tế, những cuộc hội thoại thường ngày đều gần gũi, đôi khi có phần tẻ nhạt và vô hồn.

  • Thử nghiệm đọc to đoạn hội thoại của nhân vật

Khi đọc to những màn hội thoại của nhân vật, biên kịch sẽ kiểm tra được tính hợp lý, chân thực của lời thoại. Từ đây, có thể dễ dàng tìm ra các lỗi và chỉnh sửa chúng.

Sau khi đọc xong các đoạn, cần tự đặt ra những câu hỏi như: Lời thoại có hợp lý, súc tích hay không? Nó có bị rập khuôn, thái quá? Liệu các nhân vật đã bộc lộ được tính cách riêng hay chưa?…

Xem thêm: Bỏ túi cách viết kịch bản ngắn dành cho phim hay, hấp dẫn

Trình bày kịch bản đúng tiêu chuẩn

Một kịch bản chất lượng, ngoài nội dung ấn tượng còn cần phải có hình thức trình bày rõ ràng, dễ hiểu. Các yếu tố về font chữ, khổ giấy, định dạng kịch bản,.. không được sơ sài.

cách viết kịch bản phim điện ảnh
Font chữ, khổ giấy, định dạng,.. của kịch bản không được trình bày sơ sài (Ảnh: sưu tầm)

Cụ thể: 

  • Sử dụng khổ giấy A4 để trình bày nội dung
  • Font chữ tiêu chuẩn là Courier, với cỡ chữ 12
  • Căn lề văn bản có: khoảng cách lề dưới là 1cm, lề trên 0.5cm. Lề trái được căn mức từ 1.2 – 1.6cm và từ 0.5 – 1cm đối với lề phải
  • Cách đánh số trang: Đánh ở góc trên cùng phí bên phải. Đối với trang tiêu đề phim sẽ không cần đánh
  • Định dạng kịch bản gồm các nội dung: mở cảnh, độ dài mỗi đoạn, tên nhân vật và lời thoại đi kèm.

Kiểm tra và hoàn chỉnh kịch bản

Thao tác kiểm tra và chỉnh sửa là điều đặc biệt quan trọng mà biên kịch không thể bỏ qua.

cách viết kịch bản phim điện ảnh
Thao tác kiểm tra và chỉnh sửa là điều không thể bỏ qua (Ảnh: sưu tầm)

Sau khi hoàn thành xong các quy trình xây dựng kịch bản trên, biên kịch phải thực hiện việc rà soát, chỉnh sửa. Ngoài việc tự mình xem xét, hãy thử tham khảo những ý kiến nhận xét của đồng nghiệp, bạn bè. Những chi tiết thừa cần được loại bỏ, sự việc chưa hợp lý phải chỉnh sửa lại kỹ càng.

Các thành phần một kịch bản phim điện ảnh

Các thành phần có trong 1 kịch bản phim điện ảnh bao gồm: Sence heading, action lines, nhân vật, lời thoại và chú thích.

cách viết kịch bản phim điện ảnh
Kịch bản phim điện ảnh có: Sence heading, action lines, nhân vật, lời thoại, chú thích (Ảnh: sưu tầm)

Sence heading

Đây là phần mở cảnh hoặc tiêu đề phân đoạn, cho khán giả biết họ đang xem phân cảnh ở đâu, thời gian như thế nào.

Sence heading cần trình bày ngắn gọn, dùng chữ viết hoa. Đồng thời, biên kịch nên sử dụng kết hợp tiêu đề phân đoạn và phụ đề để mô tả rõ hơn về bối cảnh.

Action lines

Action lines mô tả chuyển động của nhân vật. Đối với cấu trúc kịch bản, nó luôn được trình bày ở thì hiện tại. Biên kịch có thể viết hoa hay gạch chân, in nghiêng về từ hay nhóm từ đặc biệt để nhấn mạnh.

Nhân vật

Nhân vật cần giới thiệu trước khi có đoạn hội thoại và phải viết hoa tên riêng. 

Đa số nhân vật sẽ được giới thiệu kèm các thông tin về nghề nghiệp, tính cách, tuổi,.. để giúp người xem hình dung rõ hơn.

Lời thoại

Khi nhân vật giao tiếp, dù là tiếng nói hoặc giọng thuyết minh đều phải được trình bày trong kịch bản. Đoạn hội thoại sẽ nằm ở giữa trang, cách lề trái khoảng 1 inch và tên người nói được viết hoa ở dòng trên.

Chú thích

Những đoạn chú thích sẽ giúp làm rõ thông tin để người xem dễ nắm bắt. Phụ chú có thể được viết dưới tên nhân vật hoặc thêm vào đoạn ngắt giữa 2 dòng trên, dưới.

Ở trên là những nội dung bổ ích, hướng dẫn cách xây dựng kịch bản phim hiệu quả mà người làm biên kịch không nên bỏ qua. Ngoài ra, nếu muốn phát triển nghề lâu dài, bạn có thể theo dõi thêm nhiều bài viết về lĩnh vực sản xuất phim chuyên nghiệp của Việt Producer. 

Để có cách viết kịch bản phim điện ảnh hay và chuyên nghiệp, người viết cần nắm rõ các kiến thức về thể loại cùng các bước xây dựng nội dung phù hợp. Đặc biệt, biên kịch cần kết hợp vừa tham khảo, học hỏi, vừa phát huy sự sáng tạo để có được những kịch bản chất lượng, ấn tượng nhất.

Việt Producer - Chuyên sản xuất phim doanh nghiệp, TVC

Share:

Picture of Trang Ái
Trang Ái

facebook  twitter  Tumblr  pinterest   Linkedin   instagram  Flickr

Tôi là Trang Ái, có đam mê với video cho doanh nghiệp. Hiểu được rằng video là trợ thủ đắc lực để định vị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu. Vì thế, tôi mong muốn lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này để tạo giá trị hữu ích cho người đọc.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Scroll to Top