Hiện nay, chiến lược Marketing mix với hình thức Marketing 4P và 7P được đánh giá là phổ biến, phù hợp với nhiều mô hình doanh nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động bán hàng, đồng thời giữ vị trí then chốt trong quá trình phát triển thương hiệu.
Chiến lược marketing mix là gì?
Là một chiến lược tiếp thị truyền thống, Marketing mix được sử dụng trong giới kinh doanh từ lâu. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1953 bởi Neil Borden – chủ tịch hiệp hội Marketing tại Hoa Kỳ.
Chiến lược Marketing mix hay chiến lược Marketing hỗn hợp là một trong những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần cân nhắc thực hiện để đưa ra các quyết định đúng đắn trong tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ áp dụng tất cả các công cụ tiếp thị có thể sử dụng để đạt được mục tiêu của mình.
Vì vậy, Marketing mix thường được xem là cánh cửa mở ra những hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp với những giá trị như:
- Cung cấp dữ liệu giúp phân bổ nguồn lực và tài nguyên bao gồm con người và tài chính hiệu quả để tạo nên sự thành công cho Marketing, tối ưu hóa lợi nhuận doanh nghiệp và mức độ hài lòng của khách hàng.
- Mang lại sự chuyên môn hóa nhờ khả năng phân bố dữ liệu, chia nhỏ công việc cho mọi thành viên thuộc doanh nghiệp để đảm bảo tính thuận tiện và tối ưu nhất có thể.
- Tạo ra những cơ hội xúc tiến thương mại, tăng cường hiệu quả của các chính sách về sản phẩm, giá hay nhà phân phối, giúp doanh nghiệp có được ưu thế, sự khác biệt trên thị trường cạnh tranh.
Chiến lược Marketing mix được triển khai theo mô hình 4P hoặc 7P, ứng dụng trong các hoạt động tiếp thị hàng hóa. Trong đó, 4P là mô hình nguyên bản, dần theo thời gian, để phù hợp với những thay đổi của nền kinh tế thị trường và kinh doanh hiện đại, Marketing 7P đã ra đời.
- Mô hình Marketing mix 4P bao gồm: Sản phẩm (Product), Giá cả (Price), Địa điểm (Place) và Khuyến mãi/ Xúc tiến thương mại (Promotion)
- Mô hình Marketing mix 7P kế thừa giá trị của 4P, đồng thời được bổ sung thêm 3P bao gồm: Con người (People), Quy trình (Process) và Cơ sở hạ tầng (Physical Evidence).
Về cơ bản, có thể hiểu, 7P là mô hình được cải tiến từ Marketing mix 4P, đảm bảo các yếu tố cơ bản, bên cạnh đó bổ sung một số yếu tố phù hợp với thị hiếu khách hàng hiện đại trong nền kinh tế thị trường.
Để hiểu rõ cách thức các doanh nghiệp thành công đã và đang áp dụng chiến lược Marketing mix với mô hình 4P, hãy tìm hiểu thông qua quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, tiếp thị sản phẩm của một số nhãn hàng nổi tiếng dưới đây.
5 chiến lược marketing mix thành công từ các nhãn hàng
Chiến lược Marketing mix được nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp áp dụng trong quá trình tiếp thị sản phẩm, dịch vụ để đạt được những mục tiêu nhất định. Không ít doanh nghiệp đã tồn tại lâu dài và vững chắc trên thị trường nhờ khả năng thích ứng cao với những thay đổi của môi trường, nền kinh tế.
Bên cạnh đó, chiến lược này còn chỉ ra cho doanh nghiệp những điều thị trường cần, phù hợp với mong muốn, khả năng mua hàng của người tiêu dùng. Dưới đây là một số thành công điển hình của các nhãn hàng nhờ ứng dụng Marketing mix trong quá trình kinh doanh.
Chiến lược marketing mix của Vinamilk
Vinamilk được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp sữa, chiếm khoảng 75% thị phần tại Việt Nam. Không chỉ có mạng lưới 183 nhà phân phối trong nước với gần 100.000 điểm bán khắp 64 tỉnh thành, Vinamilk còn xuất khẩu sản phẩm sang nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Canada, khu vực Đông Nam Á…
Để có được thành công hiện tại, bên cạnh việc đầu tư vào cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhãn hàng này cũng áp dụng chiến lược Marketing mix hiệu quả.
-
- Sản phẩm (Product)
Hướng đến việc cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, sản phẩm của Vinamilk luôn đảm bảo sự tinh khiết từ thiên nhiên. Nhãn hàng này tập trung phát triển sản phẩm dinh dưỡng, có uy tín khoa học và đáng tin cậy hàng đầu với người dân Việt Nam. Họ áp dụng nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của người tiêu dùng, từ đó phát triển dòng sản phẩm tối ưu nhất.
- Giá cả (Price)
Yếu tố giá cả luôn là mối quan quan tâm hàng đầu của khách hàng. Trong tương lai, nếu nguồn nguyên liệu nội địa trở nên dồi dào, đảm bảo chất lượng, Vinamilk sẽ giảm nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, giá sản phẩm sẽ được điều chỉnh, phù hợp hơn với thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, để khích lệ khách hàng lựa chọn sản phẩm, thương hiệu sữa này cũng thường xuyên có các đợt giảm giá, tăng dung tích sữa nhưng giá không đổi vào các ngày kỷ niệm.
- Địa điểm (Place)
Vinamilk có hệ thống phân phối trải rộng cả nước với 125.000 điểm bán lẻ. Không chỉ vậy, hệ thống xe lạnh, tủ mát, tủ đông cũng được nhãn hàng đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nhóm sữa chua. Để mở rộng thị trường nội địa đến người tiêu dùng, Vinamilk sử dụng hai kênh chính là nhà phân phối và hệ thống siêu thị, metro. Ngoài ra, công ty luôn tìm kiếm thị trường xuất khẩu trong khu vực và trên thế giới.
- Xúc tiến thương mại (Promotion)
Vinamilk quảng bá sản phẩm rộng rãi tới người tiêu dùng qua các phương tiện thông tin đại chúng như internet, poster, báo chí, TV… Nhãn hàng thường xuyên có sự thay đổi trong nội dung, hình thức quảng cáo nhằm lôi kéo sự chú ý của khách hàng. Đặc biệt, Vinamilk còn thực hiện các chương trình khuyến mãi như tăng thể tích sữa, giá không đổi hay tặng kèm đồ chơi cho trẻ em. Ngoài kinh doanh, nhãn hàng này còn quan tâm tới các hoạt động xã hội như tài trợ, phát động từ thiện, lập quỹ khuyến học. Vinamilk từng dành 3.1 tỷ đồng cho Quỹ học bổng “Vinamilk ươm mầm tài năng trẻ”, tham gia cứu trợ bão lũ và nhiều hoạt động khác.
Với mô hình Marketing mix 4P truyền thống kết hợp cùng các chiến lược marketing sản phẩm sáng tạo, Vinamilk không ngừng phát triển, trở thành một công ty hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam. Không chỉ vậy, nhãn hàng còn đặt ra một mục tiêu lớn hơn – là thương hiệu nằm trong top 50 thế giới.
Chiến lược marketing mix của Coca Cola
Là thương hiệu nước giải khát đến từ Mỹ, cho tới nay, các sản phẩm của Coca Cola được phân phối rộng rãi trên thị trường toàn cầu. Để có được thành công như hiện tại, bên cạnh việc sở hữu công thức độc quyền, Coca Cola cũng chú trọng việc áp dụng chiến lược Marketing mix với 4P dưới đây.
- Sản phẩm (Product)
Với 500 thương hiệu đồ uống có ga, cồn, Coca Cola sở hữu danh sách số lượng sản phẩm vô cùng đa dạng. Trong đó, phải kể đến những thức uống nổi bật nhất của thương hiệu này tại Việt Nam như Coke ít ga, Sprite, Fanta… Coca Cola cũng nỗ lực trong việc nghiên cứu, phát triển nhiều dòng nước giải khát mới: nước tăng lực Samurai, bột trái cây Sunfill… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Việt. Các dòng truyền thống cũng được bổ sung thêm hương vị như Fanta chanh, Fanta dâu… Bên cạnh đó, thương hiệu còn cho ra mắt các sản phẩm như Coca Cola Zero hay Coca Cola Light để đồng hành cùng sự phát triển của xu hướng ăn uống lành mạnh.
- Giá cả (Price)
Khi mới gia nhập thị trường nước uống giải khát, Coca Cola luôn định giá theo các đối thủ cạnh tranh, giữ cho mức giá của mình không vượt hoặc thấp hơn quá nhiều. Tuy nhiên, để trở thành thương hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới, Coca Cola còn áp dụng một số chiến lược về giá như: định giá theo tâm lý, định giá khuyến mãi, định giá theo từng phân khúc hay theo kênh phân phối. Ví dụ, khi mua cùng một sản phẩm tại siêu thị và điểm bán lẻ, giá có thể chênh lệch nhưng không quá lớn.
- Địa điểm (Place)
Các sản phẩm của Coca Cola đã và đang có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Doanh nghiệp thực hiện chiến lược nội địa hóa nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong từng khu vực. Hiện nay, thức uống giải khát của thương hiệu này có mặt ở hầu hết các cửa hàng tạp hóa và siêu thị. Không chỉ vậy, Coca Cola còn kết hợp với các nhà hàng, rạp chiếu phim, quán ăn… để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
- Xúc tiến thương mại (Promotion)
Các chiến dịch truyền thông của Coca Cola luôn được đầu tư chỉn chu, gây sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Các chiến lược này thường được phát triển tùy vào thị trường mà thương hiệu hoạt động, đồng thời dựa trên đặc điểm then chốt của công chúng mục tiêu. Kết hợp cả kênh truyền thống và hiện đại, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không quên tích hợp nhiều công cụ như Quảng cáo, Xúc tiến bán, PR, Marketing hay Bán hàng cá nhân nhằm tiếp cận được tối đa công chúng, giúp chiến dịch đạt hiệu quả cao.
Coca Cola luôn đổi mới mình qua từng chiến dịch quảng cáo, mỗi chiến dịch lại mang một màu sắc, ý nghĩa thông điệp riêng biệt, thể hiện sự sáng tạo qua từng campaign.
Chiến lược marketing của Ananas
Bên cạnh Bitis, thị trường giày dép nội địa Việt Nam còn nhiều thương hiệu nổi tiếng khác, có thể kể đến như Ananas. Đây là một trong những nhãn hàng được sản xuất trong nước 100%, chuyên bán lẻ giày, trực thuộc công ty cổ phần Hazza.
Chính thức ra mắt từ những năm 2010, Ananas gặp phải vô số khó khăn, trở ngại, đặc biệt trong sự cạnh tranh với các thương hiệu lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, cố gắng, đến năm 2017, nhãn hàng này đã bước đầu chuyển mình, thậm chí tạo nên không ít đột phá mới trên đường đua sneaker Việt Nam.
Tỉ mỉ trong mọi công đoạn thủ công, cách phục vụ khách hàng chuyên nghiệp giúp Ananas nhanh chóng trở thành một trong những Local Brand hàng đầu trong nước. Bên cạnh đó, nhãn hàng này cũng sở hữu chiến lược Marketing mix hiệu quả, sáng tạo.
-
- Sản phẩm (Product)
Ananas luôn chú trọng nghiên cứu, nâng cao chất lượng giày. Hầu hết các sản phẩm của hãng có thiết kế đơn giản nhưng thời trang và đầy màu sắc. Chất liệu có sự kết hợp đa dạng, trẻ trung, phù hợp với thị hiếu khách hàng. Ananas chọn Vulcanized làm sản phẩm chủ đạo với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, tân tiến, mang đến chất lượng bền vững, không bị áp lực theo xu hướng liên tục.
-
- Giá cả (Price)
Mức giá của một đôi giày Ananas khá hợp lý, chỉ từ 400.000đ – 600.000đ khách hàng đã có thể sở hữu một sản phẩm.. So với các đối thủ cùng ngành khác, Ananas đã tạo ra sự ưu thế về giá. Để làm được điều này, nhãn hàng đã tiến hành triển khai quy trình sản xuất trực tiếp, bỏ qua các công đoạn trung gian và tiền giá trị thương hiệu. Đặc biệt, mức giá này khá phù hợp với thu nhập của khách hàng Việt trong độ tuổi từ 18 – 25.
- Địa điểm (Place)
Mạng lưới đại lý và hệ thống phân phối của Ananas khá đa dạng, phong phú, bao gồm nhiều cửa hàng từ Flagship, Standard, Special đến Pop-up… giúp người dùng lựa chọn dễ dàng, nhanh chóng hơn. Không chỉ vậy, các cửa hàng này còn được đặt tại những vị trí thuận lợi, đông người qua lại, giúp tiếp cận hiệu quả hơn với khách hàng mục tiêu. Song song với hình thức bán hàng truyền thống, Ananas cũng mở rộng các kênh phân phối trực tuyến, chủ yếu qua Website chính thức.
- Khuyến mãi/Xúc tiến thương mại (Promotion)
Từ việc nghiên cứu khách hàng mục tiêu là các bạn trẻ trong độ tuổi 18 – 25, họ thường rơi vào trạng thái trống rỗng, mông lung với ước mơ của bản thân, Ananas đã mang đến những chiến lược quảng bá với thông điệp ý nghĩa, sâu sắc. Ví dụ, dự án Discover YOU – “Dù có làm gì thì cũng nên hiểu rõ bản thân và biết mình đang muốn gì”.
Chiến lược marketing mix của Nestle
Được thành lập từ năm 1866 bởi Henri Nestlé – một dược sĩ gốc Đức, Nestle ban đầu sản xuất loại sữa bột dành cho những trẻ sơ sinh không thể bú mẹ nhằm giảm tỷ lệ trẻ tử vong vì suy dinh dưỡng. Thành công đầu tiên của người sáng lập thương hiệu này là cứu sống một trẻ sinh non. Nhờ vậy, sản phẩm sau đó nhanh chóng được phổ biến tại Châu Âu.
Tính đến nay, Nestle đã thực hiện nhiều thương vụ sáp nhập, mua lại để mở rộng cơ sở khách hàng cũng như khả năng hiển thị trên thị trường của mình. Một trong những thành tựu lớn nhất của doanh nghiệp là thứ hạng 11 trong FT Global 500 2014 với giá trị vốn hóa thị trường là 240 tỷ USD.
Sự thành công của Nestle đến từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó phải kể đến chiến lược Marketing mix với 4P.
- Sản phẩm (Product)
Có thể nói, các sản phẩm của Nestle hiện nay đủ đa dạng để đáp ứng mọi nhu cầu, khẩu vị của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng. Dù là cà phê hòa tan, pha phin hay uống liền, Nestle luôn đảm bảo kết hợp đủ 3 yếu tố: khẩu vị, văn hóa và sáng tạo. Hình dáng bao bì và thiết kế cũng vô cùng đa dạng, bắt mắt, phù hợp với từng dòng sản phẩm. Không dừng lại ở đó, thương hiệu này vẫn tiếp tục phát triển, sáng tạo ra những hương vị cafe mới, thơm ngon, đậm đà.
- Giá cả (Price)
Nestle đã kết hợp nhiều chiến lược về giá như khuyến mãi, combo… Bên cạnh đó, doanh nghiệp này liên tục tung ra nhiều dòng sản phẩm nhắm vào các phân khúc lớn và đa dạng của thị trường cà phê. Mỗi sản phẩm lại có giá cả phù hợp theo từng phân khúc khách hàng, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng. Ví dụ, đối với phân khúc khách hàng trẻ, Nestle đánh vào những dòng Latte mới, giá tương đối bình dân, với người có thu nhập cao, quan tâm chất lượng hàng đầu, thương hiệu có những dòng cafe như Nescafe Gold, Premium.
- Địa điểm (Place)
Là tập đoàn đa quốc gia, Nestle có bề dày lịch sử về kinh nghiệm và nguồn tài chính dồi dào khi thâm nhập vào các thị trường khu vực. Nescafe nói riêng và Nestle nói chung tham vọng chiếm đầu bảng về nắm giữ thị phần so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành. Với châm ngôn “wherever – whenever – however”, Nestle luôn xây dựng mạng lưới phân phối chặt chẽ với các điểm bán lẻ, sử dụng chiến lược phân phối đại trà nhằm phủ sóng toàn bộ thị trường. Tại Việt Nam, thương hiệu này mở rộng thị trường đến người tiêu dùng thông qua nhiều kênh: điểm bán lẻ, nhà phân phối, siêu thị, Metro, kênh thương mại điện tử…
- Xúc tiến thương mại (Promotion)
Nestle luôn sử dụng hình thức truyền thông gắn liền với sản phẩm và thương hiệu. Qua các chiến lược Marketing, nhãn hàng truyền tải thông điệp hình ảnh tới người tiêu dùng. Ví dụ, chiến dịch “Nescafe – Cafe Việt” và khẩu hiệu “Bạn đã đủ mạnh để thử?” đã khơi gợi tinh thần dân tộc Việt – một quốc gia mạnh về cà phê. Là công ty đa quốc gia đứng thứ 3 thế giới về thức uống, Nestle luôn chú trọng, dành ra nguồn ngân sách lớn cho các hoạt động tiếp thị như: khuyến mãi mua 1 tặng 1, cho sinh viên trải nghiệm cafe uống liền dạng lon, quảng cáo trên truyền hình, báo chí…
Cho đến nay, Nestle vẫn đang phát huy tốt những lợi thế của mình để gặt hái thành công, ghi lại ấn tượng tốt trong lòng người tiêu dùng.
Chiến lược marketing của Cà phê Trung Nguyên
Ra mắt vào giữa năm 1996, Cà phê Trung Nguyên thời điểm đó tuy là một thương hiệu còn non trẻ nhưng đã nhanh chóng tạo dựng được uy tín trên thị trường. Chỉ trong vòng 10 năm, Trung Nguyên đã trở thành thương hiệu cà phê được nhiều người biết đến cả trong và ngoài nước.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê, phân phối, nhượng quyền… cà phê Trung Nguyên không chỉ nổi danh tại Việt Nam mà còn đem sản phẩm xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu.
Từ một quán cà phê nhỏ được thành lập tại Buôn Mê Thuột bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Trung Nguyên có được thành công như hiện tại phần lớn nhờ vào chiến lược Marketing.
- Sản phẩm (Product)
Cà phê Trung Nguyên luôn chú trọng vào mùi vị, chất lượng, để khách hàng tìm hiểu sự khác biệt giữa các dòng sản phẩm: Cà phê chồn, Robusta hay Arabica… từ đó áp dụng chiến thuật “cá nhân hóa”. Năm 2003, nhãn hàng ra mắt sản phẩm cà phê hòa tan G7, đặt mục tiêu đánh bại những ông lớn trong ngành tại Việt Nam trước khi ra thị trường quốc tế. Khi sản phẩm được chấp nhận trên thị trường, Trung Nguyên tìm hiểu rõ hơn về thị hiếu khách hàng, đồng thời đầu tư nghiên cứu, tạo ra dòng cà phê sáng tạo với 5 loại dựa theo gu thưởng thức của người tiêu dùng bao gồm: Culi Arabica hảo hạng, Culi thượng hạng, Culi Robusta, Arabica sẻ và Robusta.
- Giá cả (Price)
Với danh sách sản phẩm đa dạng, phân khúc giá của Trung Nguyên cũng tiếp cận tốt hơn với nhiều nhóm khách hàng. Doanh nghiệp đã có những chiến lược giá thành công, cùng các chính sách riêng biệt, ưu đãi với từng phân khúc người tiêu dùng. Tất cả giúp Trung Nguyên chiếm ưu thế cạnh tranh so với nhiều đối thủ cùng ngành như Vinacafe, Nescafe…
- Địa điểm (Place)
Với chiến lược phân phối vô cùng khôn ngoan, cà phê Trung Nguyên đã tiếp cận khách hàng mục tiêu đúng cách, đúng thời điểm và tiến gần hơn mục tiêu thống lĩnh thị trường cà phê nội địa Việt Nam, tạo bàn đạp xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng phân phối sản phẩm qua “Trung Nguyên Coffee Store” – 1 dạng online store nhằm thích ứng với hành vi tiêu dùng của khách hàng hiện nay. Các kênh phân phối chính của doanh nghiệp bao gồm: kênh truyền thống qua các nhà bán lẻ, người tiêu dùng; kênh hiện đại với hệ thống G7 Mart; hệ thống nhượng quyền – quán cà phê.
- Xúc tiến thương mại (Promotion)
Tập trung chủ yếu vào PR, Trung Nguyên dựa vào giá trị cốt lõi của thương hiệu thay vì đẩy mạnh hoạt động quảng cáo. Họ thổi hồn dân tộc vào slogan, logo, thậm chí trong từng sản phẩm nhằm nâng niu, đề cao tinh thần tự tôn dân tộc. Điều này giúp thương hiệu tạo được ấn tượng sâu sắc cùng thiện cảm trong lòng người tiêu dùng Việt, đồng thời thu hút tốt khách hàng quốc tế. Ngoài ra, Trung Nguyên cũng thực hiện các TVC quảng cáo, chiếu vào khung giờ vàng trên các kênh truyền hình quốc gia như VTV1, VTV3…
Các doanh nghiệp trên đều thành công trong việc áp dụng chiến lược Marketing mix để tiếp thị sản phẩm cũng như giúp thương hiệu của mình có chỗ đứng trên thị trường trong nước, đồng thời vươn ra thị trường quốc tế. Để có được thành công như hiện tại, họ đã liên tục đổi mới mình qua từng chiến dịch truyền thông, tuy nhiên 4 giá trị trong mô hình Marketing 4Ps vẫn là nền tảng, cốt lõi để xây dựng, triển khai chúng.
Chiến lược Marketing mix gồm 4 yếu tố cốt lõi: sản phẩm, giá cả, địa điểm phân phối và xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và kinh doanh hiện đại, có thêm 3 yếu tố mở rộng: con người, quy trình, cơ sở vật chất. Doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu và lên chiến lược cụ thể kết hợp các yếu tố trên để đưa ra những phương thức truyền thông phù hợp.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm những chiến lược marketing thành công của các thương hiệu khác như: chiến lược marketing mix của thegioididong, marketing mix của Pepsi,… để có thêm thông tin tham khảo cho chiến lược của doanh nghiệp mình.