Tổng hợp các kỹ thuật quay phim cơ bản cho người mới bắt đầu

Home - Kiến thức kinh nghiệm hay - Tổng hợp các kỹ thuật quay phim cơ bản cho người mới bắt đầu

Cameraman có kỹ thuật quay phim tốt sẽ đảm bảo cho ra những video chất lượng, tối ưu được thời gian hậu kỳ. Để quá trình “cầm máy” được suôn sẻ và hiệu quả, đầu tiên người học cần nắm được những kiến thức cơ bản về cảnh quay, bố cục, ánh sáng,…

Xác định cỡ cảnh quay

Cỡ cảnh là kích thước của một cảnh quay. Mỗi cỡ cảnh mang một giá trị truyền tải khác nhau, sẽ được kết hợp với hậu cảnh và chủ thể xuất hiện trong khung hình. Có 3 nhóm kích cỡ cảnh quay trong làm phim: toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh.

Toàn cảnh

 3 loại cỡ cảnh toàn trong kỹ thuật quay phim:

Cảnh toàn cực rộng – Extreme Long Shot

Cảnh toàn cực rộng còn có tên khác là đại cảnh, thường sử dụng để quay những không gian lớn như cánh đồng, núi đồi, ngoại ô,… Khi thực hiện, máy quay phải đặt ở vị trí cao hơn so với mặt đất hoặc dùng tới flycam. 

Cảnh quay thường tạo cảm giác to lớn, hùng vĩ của thiên nhiên và cho thấy sự nhỏ bé của chủ thể. 

kỹ thuật quay phim
Cảnh quay thường tạo cảm giác hùng vĩ của thiên nhiên và cho thấy sự nhỏ bé của chủ thể (Ảnh sưu tầm)

Cảnh toàn rộng – Very Long Shot

Cảnh toàn rộng thể hiện đầy đủ nhân vật, thời gian, địa điểm và tư thế, chuyển động có trong khung hình. Tuy nhiên, nhân vật sẽ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Kích cỡ cảnh toàn rộng được dùng nhiều cho sự kiện diễn ra trong sân khấu hoặc hội trường.

kỹ thuật quay phim
Cảnh toàn rộng thể hiện đầy đủ nhân vật, thời gian, địa điểm và tư thế, chuyển động có trong khung hình (Ảnh sưu tầm)

Cảnh quay toàn – Wide Shot/Long Shot

Chủ thể trong cảnh toàn được căn chỉnh để xuất hiện đầy đủ trong khung hình từ đầu tới chân. Đầu và chân của nhân vật sẽ sát với hai mép của khung cảnh. Cảnh toàn cũng thể hiện những nội dung tương tự cảnh toàn rộng. Bên cạnh đó, người xem có thể cảm nhận nhiều hơn về mối liên hệ giữa nhân vật và hậu cảnh.

Trung cảnh

3 loại cỡ cảnh trung trong kỹ thuật quay video cơ bản:

Trung cảnh rộng – Medium Long Shot

Máy quay trung cảnh rộng lấy vị trí từ phía trên đầu gối chủ thể và hướng lên. Cảnh quay cung cấp đồng thời thông tin về bối cảnh, không gian, thời gian đồ vật và đối tượng chính.

kỹ thuật quay phim
Máy quay trung cảnh rộng lấy vị trí từ phía trên đầu gối chủ thể và hướng lên (Ảnh sưu tầm)

Trung cảnh – Medium Shot

Trung cảnh là cảnh quay nửa người, cắt từ vị trí thắt lưng (eo) lên trên. Con người sẽ chiếm hình phần lớn. Hành động, biểu cảm, trang phục và không gian nơi nhân vật ở cũng được thể hiện rõ ràng.

Trung cảnh hẹp – Medium Close-up Shot

Trung cảnh hẹp cắt khung nhân vật từ trên khuỷu tay, lấy hình từ cúc áo thứ hai hướng lên trên. Cảnh quay sẽ tập trung nhiều vào khuôn mặt, cảm xúc của đối tượng: Biểu cảm, màu da, màu tóc, trang điểm,…

kỹ thuật quay phim
Trung cảnh hẹp cắt khung nhân vật từ trên khuỷu tay, lấy hình từ cúc áo thứ hai hướng lên trên  (Ảnh sưu tầm)

Cận cảnh

3 loại cỡ cảnh cận trong kỹ thuật quay phim: 

Quay cận cảnh – Close-up

Cận cảnh hay cảnh quay đầu chủ yếu quay lại khuôn mặt chủ thể. Giới hạn khung trên sẽ cắt ở đỉnh tóc, giới hạn khung dưới phải cắt ở phần dưới cằm. Tuy nhiên, cameraman có thể lấy một phần cổ hoặc vai.

Cận cảnh hẹp – Big Close-up

Ở kích cỡ cận cảnh hẹp, khuôn mặt sẽ chiếm phần lớn. Các chi tiết như mắt, mũi, khuyết điểm,…sẽ được thể hiện rõ ràng và chi tiết. Với cỡ cảnh này, người xem bắt buộc phải hoàn toàn chú ý và gương mặt và cảm nhận được cảm xúc cụ thể.

Cận cảnh đặc tả – Extreme Close-up

Cảnh quay dùng để nhấn mạnh một chi tiết nào đó trên cơ thể hoặc đối tượng bất kỳ. Chúng sẽ được sắp xếp đằng sau các cảnh toàn hoặc cảnh trung.

Nói tóm lại, cảnh toàn thường thiên về quay phim ngoài trời, trung cảnh bao gồm cả nhân vật và bối cảnh. Cuối cùng, cận cảnh miêu tả một chi tiết trên chủ thể, chứa nhiều ý nghĩa, cảm xúc hơn.

kỹ thuật quay phim
Cảnh quay dùng để nhấn mạnh một chi tiết nào đó trên cơ thể hoặc đối tượng bất kỳ (Ảnh sưu tầm)

Xác định góc quay

Góc máy là khái niệm chỉ cụ thể một điểm mà máy quay được đặt. Có 3 góc quay chính trong kỹ thuật quay phim cơ bản:

Góc máy cao

Góc máy cao là vị trí máy được đặt trên tầm mắt đối tượng. Khi sử dụng góc máy này, cảnh quay đang thể hiện sự bế tắc, bất lực hoặc nhỏ bé, thu gọn mình lại.

Góc máy ngang

Góc ngang được tạo ra từ vị trí máy quay bằng với tầm mắt. Trong tất cả các thể loại phim ảnh, góc ngang được sử dụng phổ biến nhất. Khi xem, khán giả sẽ cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện, dễ nắm bắt nội dung.

Góc máy thấp

Ngược lại với góc máy cao, góc thấp là vị trí máy được đặt dưới tầm mắt đối tượng. Lúc này, đối tượng sẽ được tôn vinh và đề cao. Đồng thời, khung cảnh mang ý nghĩa uy nghi, hoành tráng và nghiêm túc.

kỹ thuật quay phim
Góc máy thấp thể hiện sự uy nghi, hoành tráng (Ảnh sưu tầm)

Khi áp dụng, cameraman thường chỉ sử dụng một góc máy nhất định. Trong một số trường hợp đặc biệt, cảnh quay là sự kết hợp giữa nhiều góc máy nhằm mang lại hiệu ứng nghệ thuật cụ thể.

Thao tác với máy quay

Trong quá trình thao tác với máy quay, kiểm soát được các cú máy và điều chỉnh thông số trên máy quay là hai kỹ năng cơ bản mà cameraman cần thuần thục.

Các cú máy thông dụng

Trong bộ phim, cú máy là hạng mục nhỏ nhất. Thuật ngữ dùng để chỉ chuỗi hành động được thực hiện trong một đợt bấm máy. Kỹ thuật quay phim cơ bản bao gồm 12 cú máy:

Static Shot: Camera được giữ yên ở một vị trí cố định với thiết bị chống rung.

Pan shot: Camera được di chuyển, xoay ngang theo chiều trái sang phải hoặc phải sang trái.

Push in shot: Đưa camera lại gần nhân vật bằng dolly hoặc steadicam, mục đích là hướng sự chú ý của người xem về chủ thể đó.

Pull out: Ngược lại với cú máy trên, pull out đưa máy quay ra xa.

Zoom: Thay đổi độ dài của tiêu cự ống kính để phóng to hoặc phóng nhỏ cỡ cảnh.

Dolly Zoom: Sử dụng dolly để di chuyển máy ra gần hoặc xa, đồng thời tiếp tục zoom ngược lại. Cảnh quay thường thể sự trái ngược trong nội tâm hoặc không gian.

Roll: Xoay tròn camera theo trục dọc, ý nghĩa là tạo cảm giác mất phương hướng.

Tracking shot: Di chuyển camera theo chủ thể xuyên suốt cú bấm máy.

Arc shot: Di chuyển máy quay quanh nhân vật theo hình bán nguyệt.

Random movement: Cú máy ngẫu nhiên được cameraman thêm vào bằng việc lắc nhẹ máy quay cầm tay.

Boom: Đưa camera lên hoặc xuống bằng cần trục.

Điều chỉnh thông số kỹ thuật trên máy quay

Hiểu và sử dụng được máy quay thành thục là yêu cầu thiết yếu đối với vị trí quay phim. Dưới đây là những thông số quan trọng trên máy quay mà cameraman cần nắm rõ:

Độ phân giải: Là số lượng điểm ảnh (pixel) trên màn ảnh. Ngày nay, hầu như video đều được xuất ra với chất lượng cao HD, Full HD hoặc 2K, 4K. Điểm ảnh càng nhiều thì video càng nét.

Tốc độ khung hình: Là số lượng khung hình (frame) trong một giây, ký hiệu là FPS (frame per second). FPS càng cao thì hình ảnh video sẽ càng mượt.

Cảm biến hình ảnh: Là một thiết bị nằm bên trong máy quay, đưa ánh sáng xuyên qua thấu kính thành tín hiệu số.

Định dạng video: Là loại tệp dạng kỹ thuật số máy quay tạo ra. Định dạng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng clip và cách thức hoạt động khi truyền vào máy tính.

Ngoài 4 mục trên, cameraman còn cần nắm được những thông số cơ bản khác như ISO, cân bằng trắng, khẩu độ, tốc độ màn trập,… Việc kiểm soát được máy quay bao gồm cả các tính năng và cú máy là mấu chốt để bạn cho ra được những thước phim đẹp.

Cùng với đó, các bố cục khung hình cũng cần được sắp xếp linh hoạt nhằm mang lại góc nhìn chuẩn và chân thực.

Sử dụng bố cục trong khung hình khi quay phim

Bố cục trong quay phim là cách sắp xếp đối tượng, vật thể, các mảng khối, màu sắc và ánh sáng. Có 3 quy tắc cần biết dành cho người mới bắt đầu quay phim. 

Quy tắc về đường chân trời

Khái niệm đường chân trời là đường giao giữa mặt đất và bầu trời. Quy tắc đường chân trời có thể hiểu như sau:

  • Đường chân trời phải song song với cạnh chiều ngang của khuôn hình
  • Đặt đường chân trời ở nửa dưới nếu muốn lấy nhiều hình bầu trời, ngược lại đặt đường ở nửa trên nếu muốn lấy nhiều mặt đất
  • Không được đặt đường chân trời ở chính giữa.
kỹ thuật quay phim
Khái niệm đường chân trời là đường giao giữa mặt đất và bầu trời (Ảnh sưu tầm)

Quy tắc ⅓

Theo quy tắc 1/3, khung hình sẽ được chia bởi hai đường ngang và hai đường dọc, thành ba phần đều nhau theo cả chiều ngang và chiều dọc. Đối tượng nên đặt ở điểm giao của các đường trên. Chúng được gọi là điểm vàng.

kỹ thuật quay phim
Đối tượng nên đặt ở điểm giao của các đường thẳng (Ảnh sưu tầm)

Quy tắc hướng nhìn

Hướng nhìn ở quy tắc này là hướng nhìn của chủ thể. Quy tắc đưa ra là luôn để chủ thể hướng về phía có không gian rộng hơn, tối thiểu chiếm 2/3 khuôn hình.

Trên thực tế, các bố cục trong kỹ thuật quay phim đều được thừa hưởng từ nhiếp ảnh. Do đó, trau dồi những kiến thức về nhiếp ảnh cũng sẽ giúp ích nhiều cho quá trình quay phim.

Xử lý ánh sáng

Ánh sáng trong quay phim được chia thành hai loại: Ánh sáng nhân tạo và ánh sáng tự nhiên. Việc xử lý ánh sáng cũng nằm trong phần công việc của một cameraman.

Ánh sáng tự nhiên

Ánh sáng từ mặt trời và mặt trăng luôn là nguồn sáng được ưu tiên khi làm việc. Tuy nhiên, đối với nguồn sáng mạnh như mặt trời, ekip cần xử lý để video không bị phơi sáng quá mức.

Thời điểm thích hợp để quay ngoài trời:

  • Ban ngày: Sáng 8h30 đến 10h30 – 13h30 đến 15h30
  • Ánh sáng lúc bình minh, hoàng hôn dành cho những cảnh quay nghệ thuật
  • Tránh quay giữa trưa do ánh sáng đứng làm khuôn mặt người mất hình khối
kỹ thuật quay phim
Sử dụng ánh sáng lúc bình minh để quay các cảnh nghệ thuật (Ảnh sưu tầm)

Ánh sáng nhân tạo

Ánh sáng nhân tạo được tạo ra từ con người, cụ thể là từ các thiết bị chiếu sáng: Đèn halogen, đèn tuýp, đèn đường,… Trường quay điện ảnh thường phân ánh sáng thành điểm chiếu, bao gồm 4 điểm chính:

Key light (Ánh sáng chính)

Đây là nguồn sáng quan trọng, nắm vai trò chủ đạo trong phim trường. Tính từ trục giữa máy quay và chủ thể, đèn sẽ được đặt ở góc 45 độ với cường độ mạnh.

Fill light (Ánh sáng mất bóng)

Nguồn sáng có công dụng giảm bớt bóng đen từ nguồn sáng chính tạo ra trên bề mặt đối tượng. Đèn được đặt đối xứng với key light qua trục máy quay, nhưng cường độ nhỏ hơn một nửa, loại ánh sáng mềm.

Back light (Ánh sáng sau)

Back light là nguồn sáng chiếu từ phía sau chủ thể nhằm làm nổi bật hơn so với phông nền. Đèn được đặt đối xứng với key light qua chủ thể, setup chiếu cường độ mạnh.

Background light (Ánh sáng nền)

Nguồn sáng chiếu vào phông nền, hậu cảnh. Độ mạnh yếu của đèn phụ thuộc vào chủ ý của người quay.

Nhìn chung, các kỹ thuật quay phim trên đây đều thuộc kiến thức cơ bản. Với công nghệ quay phim ngày càng tân tiến, bạn đọc cần chủ động tìm hiểu sâu hơn và luyện tập kiên trì để nâng cao tay nghề.

Việt Producer - Chuyên sản xuất phim doanh nghiệp, TVC

Share:

Trang Ái
Trang Ái

facebook  twitter  Tumblr  pinterest   Linkedin   instagram  Flickr

Tôi là Trang Ái, có đam mê với video cho doanh nghiệp. Hiểu được rằng video là trợ thủ đắc lực để định vị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu. Vì thế, tôi mong muốn lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này để tạo giá trị hữu ích cho người đọc.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Scroll to Top